Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.062 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.185 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên 03/06. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.780 VND/USD và 23.880 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,12 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,48%; 1W 1,12%; 2W 1,67% và 1M 2,08%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 2W và tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 0,90%; 1W 0,99%; 2W 1,10%, 1M 1,24%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3Y và 10Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 2,03%; 5Y 2,39%; 7Y 2,91%; 10Y 3,14%; 15Y 3,32%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 287,41 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 245,98 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 41,43 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 1.969,15 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 06/06, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Cụ thể, kỳ hạn 3 năm gọi thầu 1.500 tỷ đồng, các kỳ hạn từ 5 đến 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/mỗi kỳ hạn. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại. Kể từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã huy động thành công 2.700 tỷ đồng TPCP.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sắc đỏ chiếm ưu thế, tuy nhiên, cổ phiếu nhóm dầu khí và phân bón đã gánh thị trường, giúp VN-Index chốt phiên trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,03 điểm (+0,16%) lên 1.290,01 điểm; HNX-Index giảm 3,67 điểm (-1,18%) còn 306,81 điểm; UPCom-Index giảm nhẹ 0,27 điểm (-0,29%) xuống 93,90 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với tổng giá trị giao dịch đạt gần 20.800 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 20 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV gửi Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu 2022, tổng số dư nợ xấu được hệ thống ngân hàng xử lý đạt 54,8 nghìn tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,0% tổng nợ xấu được xử lý); sử dụng dự phòng rủi ro (14,2 nghìn tỷ đồng, 25,9%) và bán nợ cho VAMC (11,4 nghìn tỷ đồng, 20,9%).
Tin quốc tế:
Thống đốc NHTW Nhật Bản BOJ Haruhiko Kuroda tuyên bố, nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan này là hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục CSTT nới lỏng. Ông khẳng định Nhật Bản không giống như Châu Âu và Mỹ. Quốc gia này không phải đối mặt với việc đánh đổi mục tiêu lạm phát và hỗ trợ kinh tế, do áp lực lạm phát tại Nhật Bản vẫn đang ở mức khiêm tốn và chủ yếu do các yếu tố ngắn hạn như chi phí nguyên liệu thô gia tăng. Về việc đồng JPY mất giá so với USD, ông Kuroda cho rằng điều này tác động hai chiều lên từng lĩnh vực khác nhau trong kinh tế Nhật Bản. Song, ông khẳng định, nhìn chung, một đồng JPY yếu là tích cực cho nền kinh tế nước Nhật.
Hãng Caixin khảo sát cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc ở mức 41,4 điểm trong tháng 5, tăng lên từ 36,2 điểm của tháng trước đó nhưng chưa đạt mức 46,1 điểm theo kỳ vọng. Nhìn chung, các công ty vẫn đang cho thấy tình trạng hoạt động kinh doanh còn yếu, song kỳ vọng của các nhà đầu tư đã trở nên tích cực hơn khi Trung Quốc dần có các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, cùng với việc dịch bệnh đã được kiểm soát triệt để, mở ra cơ hội bình thường hóa sau thời gian dài giãn cách.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB