Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 10/10 - 14/10/2022

08:07 17/10/2022

Tổng quan:

Tính đến đầu tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm sâu so với đầu năm, nhiều mã giao dịch dưới giá mệnh giá.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.132,11 điểm, giảm 11,59% so với tháng 8 và giảm 24,44% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 13.396 tỷ đồng/phiên, giảm 14,16% so với tháng 8. Sang tuần đầu tiên của tháng 10/2022, thị trường tiếp tục đi xuống. Kết tuần VN-Index dừng ở mức 1.035,91 điểm, giảm 8,5% so với tuần liền trước, đánh dấu tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Mức giảm này chỉ thua kém thời điểm ngày 13/03/2020 (giảm 14,55%) và ngày 13/5/2022. Đặc biệt, phiên cuối tuần 07/10, chỉ số VN-Index giảm gần 39 điểm, về 1.035,91. Như vậy, từ ngày 23/09 đến 7/10, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, chỉ số VN-Index giảm khoảng 14,72%, còn so với mức đỉnh 1.525,6 điểm vào đầu năm 2022, chỉ số chung đã giảm gần 490 điểm (khoảng 32%). Mặc dù tuần vừa qua thị trường có hồi phục nhẹ, VN-Index vẫn giảm gần 30% so với đầu năm. Như vậy, TTCK Việt Nam trở thành thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên 10/12/2020, VN30-Index đang ở đáy kể từ ngày 18/12/2020. HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây. Thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh so với đầu năm do dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân sụt giảm và thiếu dòng tiền mới.

Thống kê trên thị trường cho thấy, 90% số cổ phiếu giảm giá, trong đó, có 36% mã điều chỉnh trên 15%. Trên toàn bộ ba sàn tính đến phiên 07/10, có ít nhất 549 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó có gần 300 cổ phiếu giao dịch với mức giá dưới 5.000 đồng; hơn 150 cổ phiếu giao dịch dưới 3.000 đồng. Về định giá, chỉ số VN-Index hiện được định giá ở mức PE 12,3 lần (số liệu ngày 28/9/2022), thấp hơn 19,6% so với mức trung bình 10 năm là 15,3x.

Các chuyên gia đều có chung nhận định về những nguyên nhân tác động khiến TTCK Việt Nam giảm điểm mạnh như vậy, cả các yếu tố từ bên ngoài và trong nước. Yếu tố bên ngoài như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất và nhận định suy thoái kinh tế có thể xảy ra, những bất ổn do xung đột Nga - Ukraine. Trong nước, ngoài yếu tố lãi suất, khối ngoại liên tục bán ròng tác động đến thị trường. Ngoài ra, năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, kênh đầu tư bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng thấp, người dân đổ tiền nhàn rỗi vào TTCK, nhờ đó thị trường tăng vọt. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động kinh tế trở lại bình thường, dòng vốn được san sẻ sang các kênh đầu tư khác.

Về triển vọng từ nay đến cuối năm, TTCK vẫn chịu áp lực, mặc dù có vẻ số liệu lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở nhiều thị trường do giá một số mặt hàng chủ chốt đang giảm xuống, nhưng lo ngại lạm phát và các hành động tích cực của NHTW dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối năm. Về tăng trưởng lợi nhuận, các chuyên gia nhận định, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các lĩnh vực chính như ngân hàng, khu công nghiệp, cũng như sự phục hồi của tiêu dùng nội địa sau đại dịch. Các công ty chứng khoán đưa ra 3 kịch bản cho TTCK. Ở kịch bản cơ sở, giả định rằng thị trường sẽ khởi sắc trong 3 tháng cuối năm trên cơ sở thu nhập của các doanh nghiệp vẫn ổn định và môi trường vĩ mô có thể duy trì quỹ đạo hiện tại trong bối cảnh toàn cầu đang gặp khó khăn, VN-Index sẽ giao dịch ở mức 13,7 lần vào cuối năm, chỉ số VN-Index sẽ khoảng 1.400 điểm vào cuối năm 2022. Kịch bản lạc quan dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên toàn thế giới kết hợp với hiệu ứng tích cực từ gói tài chính và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam và lợi nhuận doanh nghiệp vượt kỳ vọng; tâm lý nhà đầu tư lạc quan vào cuối năm do các vấn đề toàn cầu và trong nước được giải quyết hoặc có dấu hiệu đáng kể cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Khi đó, kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng và giả định rằng bội số thu nhập sẽ trở lại mức 15x, chỉ số Vn-Index đạt mức 1.500-1.600 điểm. Cuối cùng, ở kịch bản bi quan, bất ổn và sợ hãi tiếp tục bao trùm thị trường toàn cầu với lo ngại về lạm phát gia tăng, các NHTW sẽ phản ứng nhanh và mạnh với áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, kéo dài sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc các biến thể mới của COVID-19 đe dọa các hoạt động kinh tế. Khi đó, lợi nhuận giảm so với kỳ vọng và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ cũng như thận trọng quan sát của các nhà đầu tư mới vào thị trường. Trong kịch bản này, chỉ số Vn-Index sẽ gặp khó khăn để tăng điểm vào cuối năm và kết thúc giao dịch ở mức 12,5 lần lợi nhuận để đóng quanh mức dưới 1.200 điểm. Dù với kịch bản nào, dự báo dòng tiền tham gia TTCK trong 3 tháng cuối 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, trước áp lực lo lắng việc lãi suất huy động và cho vay tiếp tục gia tăng khi FED có thể tăng mạnh tiếp lãi suất cơ bản trong tháng 11 và 12. Dài hơn, TTCK sẽ bình thường hóa vào năm 2023 khi thị trường có thể kỳ vọng các chỉ số sẽ tăng trở lại mức lịch sử. Ngoài ra, với việc điều chỉnh sâu, định giá thị trường ở thời điểm hiện tại đang được đánh giá là rẻ cho mục tiêu tích lũy trung và dài hạn của các nhà đầu tư.  

Tóm lược thị trường trong nước từ 10/10 - 14/10

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 10/10 - 14/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh ở tất cả các phiên, đặc biệt phiên cuối tuần tăng 44 đồng. Chốt ngày 14/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.541 VND/USD, tăng tới 119 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.925 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua. Phiên cuối tuần 14/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.065 VND/USD, tăng 177 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng ở hầu hết các phiên. Chốt phiên 14/10, tỷ giá tự do tăng 170 đồng ở chiều mua vào và 200 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.250 VND/USD và 24.330 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần qua từ 10/10 - 14/10, sau khi tăng phiên đầu tuần, lãi suất VND LNH đã giảm mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 14/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,95% (-1,59 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,45% (-1,72 đpt); 2W 5,95% (-1,44 đpt); 1M 6,62% (-1,14%).

Lãi suất USD LNH tiếp tục biến động nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 14/10, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,13% (không thay đổi); 1W 3,30% (+0,02 đpt); 2W 3,45% (+0,03 đpt) và 1M 3,58% (+0,03 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 10/10 - 14/10, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với các kỳ hạn từ 07 đến 28 ngày, 3 phiên đầu đấu thầu lãi suất, 2 phiên cuối tuần với lãi suất đều ở 5,0%. Có 89.453,86 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất đều ở mức 5,0%; có 41.691,55 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN; có 45.398,91 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN bơm ròng 93.160,91 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 89.453,86 tỷ VND, không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu: Ngày 10/10, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Phiên đấu thầu thất bại. Ngày 12/10, KBNN huy động thành công 5.075/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 78%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 2.575/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 3,5%/năm và 3,8%/năm, đều tăng 0,20% so với phiên trước.

Tuần vừa qua từ 10/10 – 14/10 có 2.843 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 17/10 – 21/10 sẽ có 400 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 17/10, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 19/10, KBNN dự kiến gọi thầu 10.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn 10 năm và 20 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 3.475 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 5.611 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 14/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,72% (+0,02 đpt); 2 năm 4,72% (-0,01 đpt); 3 năm 4,73% (+0,03 đpt); 5 năm 4,76% (+0,06 đpt); 7 năm 4,84% (+0,05 đpt); 10 năm 4,93% (+0,04 đpt); 15 năm 5,0% (+0,04 đpt); 30 năm 5,23% (+0,12 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 10/10 - 14/10, thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ trở lại. Chốt tuần 14/10, VN-Index đứng ở mức 1.061,85 điểm, tăng 25,94 điểm (+2,50%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 1,80 điểm (+0,80%) lên 227,89 điểm; UPCom-Index nhích 0,18 điểm (+0,23%) đạt 80,16 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình trên 13.400 tỷ đồng/phiên. Điểm sáng trong tuần là khối ngoại mua ròng hơn 553 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.         

Tin quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo KTTG năm 2023 trầm lắng hơn do nhiều yếu tố tiêu cực. Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 11/10, IMF dự báo KTTG vẫn tăng 3,2% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo trước đó hồi tháng 7. Tuy nhiên, về cấu phần có sự thay đổi đáng chú ý là GDP Mỹ chỉ còn tăng trưởng 1,6% (-0,7 đpt), Eurzone tăng 3,1% (+0,5 đpt) và Anh tăng 3,6% (+0,4 đpt). Sang năm 2023, cơ quan này dự báo GDP toàn cầu giảm tốc khá mạnh, chỉ còn tăng 2,7% (-0,2 đpt so dự báo trước). Trong đó, Mỹ tăng 1,0% (0,0%); Eurozone tăng 0,5% (-0,7 đpt); Nhật Bản tăng 1,6% (-0,1 đpt) và Anh chỉ tăng 0,3% (-0,2 đpt). Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho rằng 1/3 các nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật trong năm sau. IMF nhận định thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro hơn bao giờ, nhất là những bất ổn từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, IMF cũng cảnh báo tình trạng khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực và lạm phát cao và kéo dài sẽ tác động lên mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó đáng quan ngại là chất lượng sống của con người.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản họp tháng 09/2022, đồng thời nước Mỹ cũng ghi nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Về Fed, trong biên bản cuộc họp tháng 9, cơ quan này khẳng định thị trường lao động Mỹ vẫn đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, cùng với đó là các chỉ số giá PCE và CPI vẫn cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục tăng và ở mức cao. Cơ quan này kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong tương lai gần, và tiếp tục chậm lại một cách ổn định trong dài hạn. Nhiều thành viên Fed nhấn mạnh việc hành động không đủ để kiềm chế lạm phát có thể gây ra nhiều tổn thất hơn so với việc hành động dư thừa. Theo đó, Fed quyết định tăng LSCS thêm 75 điểm cơ bản, từ khoảng 2,25% - 2,50% lên 3,0% - 3,25%. Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ tiếp tục giảm nắm giữ TPCP và các tài sản khác trong bảng cân đối. Cơ quan này cam kết hướng tới mục tiêu toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức mục tiêu 2,0% trong dài hạn. Liên quan tới kinh tế Mỹ, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,3% m/m trong tháng 9, cùng cao hơn so với mức tăng 0,2% và 0,3% theo dự báo. Tiếp theo, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của nước Mỹ lần lượt tăng 0,4% và 0,6% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,1% và 0,6% của tháng trước đó, đồng thời mạnh hơn mức tăng 0,2% và 0,4% theo dự báo. Như vậy, CPI toàn phần của nước này tăng 8,2% y/y trong tháng vừa qua, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 8,3% của tháng 8. Doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 9, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 0,2% sau khi tăng 0,4% ở tháng 8. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở 59,8 điểm trong tháng 10, tăng lên từ 58,6 điểm của tháng 9, đồng thời cao hơn 58,7 điểm theo dự báo.

Đọc thêm