Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 13/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.497 VND/USD, tăng tiếp 17 đồng so với phiên trước đó. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay được niêm yết không đổi ở mức 23.925 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.065 VND/USD, tăng mạnh 100 đồng so với phiên 12/10. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và và bán ra, giao dịch tại 24.250 VND/USD và 24.330 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 13/10, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giảm 0,26 – 1,06 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 5,56%; 1W 6,48%; 2W 6,96% và 1M 7,30%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn ON trong khi đi ngang ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 3,15%; 1W 3,30%; 2W 3,43%, 1M 3,58%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 4,74%; 5Y 4,76%; 7Y 4,84%; 10Y 4,92%; 15Y 4,99%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 07 ngày và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày đều với lãi suất 5,0%. Có 10.636,7 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 2.920,23 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 14.999,7 tỷ đồng đáo hạn hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 22.716,17 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 88.842,55 tỷ VND, tín phiếu giảm xuống mức 8.400,2 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường giao dịch trong trạng thái giằng co, một phần vì thận trọng trước áp lực chốt lời ngắn hạn có thể xuất hiện, một phần vì đêm nay sẽ có số liệu lạm phát của Mỹ, yếu tố có thể khiến chứng khoán thế giới biến động mạnh. Chốt phiên, VN-Index tăng 16,18 điểm (+1,56%) lên mức 1.050,99 điểm; HNX-Index cộng 1,31 điểm (+0,59%) đạt 224,74 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,03 điểm (+0,04%) lên 78,97 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch gần 9.800 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 500 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, kết quả thu NSNN 9 tháng đầu năm đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 88,9%, thu dầu thô đạt 213% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 83% dự toán và tăng trên 13,3% so cùng kỳ năm trước. Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 9 tháng ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi ĐTPT ước đạt 253,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 758,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán.
Tin quốc tế:
Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 0,4% và 0,6% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,1% và 0,6% của tháng trước đó, đồng thời mạnh hơn mức tăng 0,2% và 0,4% theo dự báo của các chuyên gia. Theo đó, CPI toàn phần nước này tăng 8,2% y/y trong tháng vừa qua, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 8,3% của tháng 8, và vẫn cao hơn mức tăng 8,1% theo dự báo. Liên quan tới thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 08/10 ở mức 228 nghìn đơn, tăng lên từ 219 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn so với mức 225 nghìn đơn theo dự báo.
Reuters đưa tin các quan chức của ECB đã có cuộc bàn luận vào đầu tháng 10, liên quan tới việc giảm 3,3 tỷ EUR trái phiếu trong danh mục kể từ quý II/2023. Mặc dù quy mô cắt giảm trên là rất nhỏ, song có thể bắt đầu cho một quá trình thắt chặt nới lỏng định lượng của cơ quan này, nhằm kết hợp với việc nâng LSCS để kiềm chế lạm phát. Nguồn tin của Reuters cũng cho biết cuộc thảo luận trên không đề cập đến chương trình hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch với quy mô 1,7 nghìn tỷ EUR của ECB.