Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần từ 03/10 - 07/10

08:36 10/10/2022

9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức tương đối thấp, đây được coi là một thành công trong việc kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp. Cụ thể, tháng 9/2022, lạm phát Việt Nam tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân lạm phát 9 tháng đầu năm ở mức 2,73%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay là 4%. Tổng cục Thống kê đã phân tích những mặt hàng chủ yếu trong rổ chỉ số giá tiêu dùng CPI giúp lạm phát đạt được thành công như vậy trong 9 tháng qua. Trước tiên, lương thực, thực phẩm chiếm tỷ lên đến gần 25% trong rổ hàng hóa, Việt Nam có lợi thế chủ động được về lương thực, thực phẩm cũng như phần lớn các nước châu Á về gạo, lúa mỳ trong bối cảnh giá lúa mỳ trên thế giới đang tăng cao. Bên cạnh đó, giá thịt lợn bình quân 9 tháng đầu năm giảm gần 16%. Quyền số của nhóm thịt lợn trong rổ hàng hóa chiếm 3,39%, do giá thịt lợn giảm 16% nên đã tác động khiến chỉ số CPI 9 tháng đầu năm giảm 0,54%. Mặt hàng thịt lợn trong nhóm thực phẩm giúp kiềm chế chỉ số giá của nhóm này không tăng quá cao mặc dù trong nhóm thực phẩm nhiều nhóm hàng hóa tăng giá mạnh, có thể kể đến như dầu ăn tăng 17,87%, trứng tăng 10,35%, rau tăng 10,4%, thủy sản tăng 3,89%. Một yếu tố quan trọng được Tổng cục Thống kê nhắc đến nữa, đó là việc bình ổn giá cả đối với những hàng hóa do nhà nước quản lý. Ở nhóm dịch vụ giáo dục, các địa phương đã miễn giảm học phí, chia sẻ khó khăn cho người dân, điều này đã giúp cho chỉ số giá giáo dục 9 tháng đầu năm giảm 1,88% so với cùng kỳ năm trước và giảm CPI chung 0,1%. Với lĩnh vực y tế, nếu thực hiện đúng lộ trình tăng giá dịch vụ y tế theo pháp luật quy định giá y tế thì đã phải hoàn thành trong năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, điều này góp phần kiềm chế lạm phát. Trong rổ hàng hóa tính CPI, người dân Việt Nam chi tới gần 12% tiêu dùng cho giáo dục và y tế, vì vậy 2 nhóm hàng này không tăng giá đã giúp kiềm chế lạm phát trong 9 tháng vừa qua. Đối với giá điện, trong 4 năm vừa qua EVN chưa tăng giá điện mặc dù chịu ảnh hưởng do các nguồn nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than tăng giá cao. Theo như tính toán, nếu chỉ số giá nhóm điện tăng 10% thì sẽ tác động vào chỉ số CPI chung tăng 0,33%.

Dự báo lạm phát trong các tháng cuối năm 2022, các chuyên gia phân tích, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu ổn định như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7% - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 2,9% - 3,2%. Một kịch bản khác, nếu giá dầu thô hạ xuống thấp hơn hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi gần với dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, thì khả năng lạm phát sẽ tăng cao hơn mức nêu trên. Trường hợp, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8% - 8,5%, khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,3% - 3,6%. Tuy nhiên, cũng còn một kịch bản nữa cần cảnh giác, đó là lạm phát trên thế giới chưa được kiểm soát, kinh tế các nước tăng trưởng thấp hoặc giảm tốc, trong khi xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa chấm dứt, giá nguyên nhiên vật liệu tiếp tục ở mức cao. Khi đó, lạm phát Việt Nam năm 2022 có thể nằm trong khoảng 4% - 4,5%. Đồng thời, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5%- 5,5%.

Tóm lược thị trường trong nước từ 03/10 - 07/10

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 03/10 - 07/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 07/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.422 VND/USD, tăng 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.925 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục tăng trong tuần qua, nhưng đà tăng đã giảm so với tuần trước đó. Phiên cuối tuần 07/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.888 VND/USD, tăng 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do đầu tuần giảm, tăng trở lại ở phiên cuối tuần. Chốt phiên 07/10, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 120 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.080 VND/USD và 24.130 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần qua từ 03/10 - 07/10, lãi suất VND LNH tăng mạnh 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 2 phiên sau đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 07/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 6,54% (+1,56 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 7,17% (+1,74 đpt); 2W 7,39% (+1,76 đpt); 1M 7,76% (+1,93%).

Lãi suất USD LNH tiếp tục biến động nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 07/10, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,13% (-0,03 đpt); 1W 3,28% (-0,02 đpt); 2W 3,42% (-0,01 đpt) và 1M 3,55% (+0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 03/10 - 07/10, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 41.691,55 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất biến động từ 5,5% – 6,9%, trong đó phiên cuối tuần lãi suất ở mức 5,5%; có 4.702,5 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN  phiên đầu tuần với kỳ hạn 14 ngày; không có khối lượng tín phiếu trúng thầu, cũng không có đáo hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN bơm ròng 36.989,05 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 41.691,55 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 45.398,8 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 03/10, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.500 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 5/10, KBNN huy động thành công 5.075/6.500 tỷ đồng TPCP (tỷ lệ trúng thầu 78%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 2.575/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 3,3%/năm và 3,6%/năm, tăng 0,3%/kỳ hạn so với phiên trước.

Tuần vừa qua từ 03/10 – 07/10 có 300 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 10/10 – 14/10 có 34 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 10/10, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 12/10, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 20 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.611 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 5.151 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 07/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,70% (+0,21 đpt); 2 năm 4,73% (+0,26 đpt); 3 năm 4,70% (+0,24 đpt); 5 năm 4,70% (+0,26đpt); 7 năm 4,79% (+0,15 đpt); 10 năm 4,89% (+0,13 đpt); 15 năm 4,96% (+0,12 đpt); 30 năm 5,11% (+0,1 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 03/10 - 07/10, thị trường chứng khoán có một tuần ảm đạm với nhiều phiên giảm điểm mạnh, VN-Index về gần mốc 1.000 điểm. Chốt tuần 07/10, VN-Index đứng ở mức 1.035,91 điểm, giảm tới 96,20 điểm (-8,50%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index sụt 24,16 điểm (-9,65%) xuống 226,09 điểm; UPCom-Index mất 4,98 điểm (-5,86%) còn 79,98 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 18.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.280 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.         

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng, đặc biệt là thị trường lao động vẫn luôn duy trì được trạng thái tích cực. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước này chỉ đạt 50,9% trong tháng 9, giảm xuống từ 52,8% của tháng 8 và giảm sâu hơn so với dự báo ở mức 52,5%; là mức thấp nhất kể từ tháng 06/2020. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 56,7% trong tháng 9, giảm nhẹ từ 56,9% của tháng 8, song vẫn cao hơn so với dự báo ở mức 56,0%. Liên quan tới thị trường lao động Mỹ, quốc gia này tạo ra 10,05 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 8, thấp hơn mức 11,17 triệu của tháng 7 và đồng thời thấp hơn mức 11,35 triệu cơ hội theo kỳ vọng. Đây là số cơ hội việc làm theo tháng thấp nhất kể từ 07/2021. Tuy nhiên, trong tháng 9, nước Mỹ tạo ra 263 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, thấp hơn mức 315 nghìn của tháng 8 nhưng cao hơn so với mức 248 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng giảm xuống chỉ còn 3,5% trong tháng vừa qua, trái với dự báo đi ngang ở 3,7% như tháng 8. Thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 9, bằng với mức tăng của tháng 8 và khớp với dự báo. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 01/10 ở mức 219 nghìn đơn, tăng lên từ 190 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt so với dự báo ở 205 nghìn đơn. Mặc dù vậy, số đơn thất nghiệp này vẫn thấp hơn so với mức trung bình 250 nghìn đơn ở giai đoạn trước khi Mỹ bị dịch Covid-19 tác động.

NHTW Úc RBA tăng LSCS nhẹ hơn so với dự báo. Trong cuộc họp ngày 04/10, RBA thông báo tăng LSCS 25 đcb, từ mức 2,35% lên 2,60%; nhẹ hơn dự báo tăng 50 đcb lên 2,85% của các chuyên gia. LSCS trên được ghi nhận là mức cao nhất của RBA trong vòng 9 năm trở lại đây. Cơ quan này dự báo CPI của nước Úc tăng khoảng 7,75% trong năm 2022, sau đó giảm tốc còn hơn 4% trong năm 2023 và tiếp tục xuống còn khoảng 3% năm 2024. RBA khẳng định ổn định giá cả là mục tiêu hàng đầu, RBA luôn hướng đến lạm phát ở mức mục tiêu 2% - 3% trong trung hạn. Liên quan tới kinh tế Úc, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất nước này do AIG khảo sát được ở mức 50,2 điểm trong tháng 9, tăng nhẹ so với mức 49,3 điểm của tháng 8. Tiếp theo, số cấp phép xây dựng tại Úc trong tháng 8 tăng đột biến 28,1% m/m sau khi giảm 17,2% ở tháng trước đó, vượt mạnh so với mức tăng chỉ 10,2% theo dự báo. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại Úc tăng 0,6% m/m trong tháng 8, bằng với mức tăng của tháng 7 và khớp với dự báo.

 

Đọc thêm