Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 26/09 - 30/09/2022

08:19 03/10/2022

Tổng quan:

Tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng cả nước vượt ngoài mong đợi, nhiều tổ chức dự báo Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế cao cả năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III ước tăng 13,67% so cùng kỳ; GDP 9 tháng tăng 8,83% so cùng kỳ và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 11 năm trở lại đây. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 thể hiện ở hoạt động SXKD phục hồi nhanh ở cả 3 khu vực kinh tế. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%, trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như bán buôn, bán lẻ tăng 10,24%, vận tải kho bãi tăng 14,2%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.

Theo Tổng cục Thống kê, động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ các yếu tố sau. Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát được tốt đại dịch Covid-19. Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, được khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, ổn định thu nhập; nhu cầu giải trí, du lịch tăng mạnh. Thứ ba, các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư. Thứ tư, chính sách tiền tệ của Việt Nam được NHNN điều hành thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt và hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cải thiện thanh khoản ngân hàng, giúp hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đặt ra từ đầu năm. Ngân hàng Thế giới WB và Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB đều cho rằng kinh tế Việt Nam phục hồi ổn định trong 9 tháng đầu năm 2022 là nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và áp dụng chiến lược sống chung với COVID-19 cũng như tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cùng với đó là hoạt động sản xuất tăng cao và sự phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch. Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi. Rủi ro bên ngoài có thể đến từ việc tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu EU; cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn; hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.

Các tổ chức trong nước và quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 7,5 - 8,5% dựa trên bức tranh kinh tế Việt Nam trong 3 quý đầu năm. Tiêu dùng cuối cùng của người dân chiếm trên 70% trong GDP. Trong khi đó, 3 quý đầu năm 2022, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ đạt mức 2 con số, dự báo tiêu dùng của dân cư sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, yếu tố này là căn cứ tin cậy cho lạc quan về kinh tế Việt Nam của năm 2022. Một căn cứ quan trọng để lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022 đó là các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện qua xu hướng các NĐTNN đang hoạt động tại Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng tích cực.  

Để đạt được mức tăng trưởng cao như vậy, các chuyên gia khuyến nghị, trong quý cuối năm, các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt và mau chóng thực hiện với các biện pháp như: chính sách tài khóa cần được thúc đẩy trong việc hỗ trợ phục hồi, cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các điều kiện kinh tế đang biến động; nên tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng; NHNN cần tập trung vào rủi ro lạm phát gia tăng và sẵn sàng hành động khi cần thiết, vẫn cam kết đạt được mục tiêu lạm phát; các cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính…

Tóm lược thị trường trong nước từ 26/09 - 30/09

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 26/09 - 30/09, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên, đặc biệt phiên cuối tuần tăng tới 29 đồng. Chốt ngày 30/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, tăng mạnh 76 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.700 VND/USD 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần tăng 225 đồng lên mức 23.925 VND/USD.

Tỷ giá LNH tăng mạnh tuần qua. Phiên cuối tuần 30/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.870 VND/USD, tăng 158 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 30/09, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.100 VND/USD và 24.200 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần qua từ 26/09 - 30/09, lãi suất VND LNH tăng – giảm đan xen qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 30/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,98% (-0,05 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,43% (+0,15 đpt); 2W 5,63% (+0,23 đpt); 1M 5,83% (+0,23%).

Lãi suất USD LNH không có nhiều biến động ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 30/09, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,16% (+0,01 đpt); 1W 3,30% (+0,03 đpt); 2W 3,43% (+0,04 đpt) và 1M 3,53% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 26/09 - 30/09, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 4.702,5 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất tăng từ từ 5,6% – 5,9%; có 4.999,95 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 2 phiên đầu kỳ hạn 07 ngày, 3 phiên cuối tuần kỳ hạn 14 ngày; có 45.398,6 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, lãi suất ở mức 5,0%. Có 73.799,9 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN bơm ròng 28.103,85 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 4.702, 5 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 45.398,8 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 26/09, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.500 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 28/09, KBNN gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn từ 7 năm đến 30 năm. Kết quả, phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm đến 28/09/2022, KBNN huy động thành công 114/400 tỷ đồng TPCP, đạt 29% kế hoạch 2022 và 54% kế hoạch quý III/2022.

Tuần vừa qua từ 26/09 – 30/09 và tuần này từ 03/10 – 07/10 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 03/10, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 05/10, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 20 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.151 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 6.937 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tiếp tục tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 30/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,49% (+0,44 đpt); 2 năm 4,47% (+0,45 đpt); 3 năm 4,46% (+0,42 đpt); 5 năm 4,44% (+0,4đpt); 7 năm 4,64% (+0,35 đpt); 10 năm 4,76% (+0,38 đpt); 15 năm 4,84% (+0,31 đpt); 30 năm 5,01% (+0,38 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 26/09 - 30/09, thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tiêu cực. Chốt tuần 30/09, VN-Index đứng ở mức 1.132,11 điểm, giảm mạnh tới 71,17 điểm (-5,91%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index sụt 14,19 điểm (-5,37%) xuống 250,25 điểm; UPCom-Index mất 3,63 điểm (-4,10%) còn 84,96 điểm.

Thanh khoản thị trường có cải thiện nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 14.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.       

Tin quốc tế

OECD hạ triển vọng kinh tế thế giới 2023. Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế vừa được công bố tuần qua, OECD dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 3,0% trong năm 2022 (không thay đổi so với dự báo hồi tháng 06/2022), và giảm tốc còn 2,2% năm 2023 (thấp hơn so với mức 2,8% của dự báo trước). GDP Mỹ được dự báo chỉ tăng 1,5% trong năm 2022 (-1,0 đpt) và giảm tốc còn 0,5% năm 2023 (-0,7 đpt). Bên cạnh đó, GDP Trung Quốc cũng chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay (-1,2 đpt) và 4,7% vào năm sau (-0,5 đpt). Tại khu vực Châu Âu, nước Đức bị hạ rất mạnh triển vọng kinh tế, GDP chỉ tăng 1,2% năm 2022 (-0,7 đpt) và thậm chí suy thoái 0,7% năm 2023 (-2,4 đpt). GDP của Nga mặc dù được nhận định bớt tiêu cực hơn nhưng vẫn suy thoái mạnh 5,5% trong năm nay (+4,5 đpt) sau đó tiếp tục giảm 4,5% trong năm sau (-0,4 đpt). OECD nhận định kinh tế toàn cầu đang đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, các chỉ báo cho thấy dấu hiệu của sự đình trệ kéo dài. Tổ chức này cũng cảnh báo chiến tranh đang tạo áp lực lên lạm phát, các quốc gia nên thắt chặt CSTT để kiềm chế vấn đề này trong dài hạn. Các chính phủ cũng cần phối hợp về CSTK nhằm khống chế lạm phát, song vẫn nên đảm bảo đủ mức chi tiêu để cải thiện niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, GDP của nước này chính thức giảm 0,6% q/q trong quý II, không điều chỉnh so với thống kê sơ bộ, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. Ở thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 24/09 ở mức 193 nghìn đơn, giảm khá mạnh từ mức 213 nghìn đơn của tuần trước đó, và trái với dự báo tăng nhẹ lên 215 nghìn đơn. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 8, bằng với mức tăng của tháng 7 và gần khớp so với dự báo tăng 0,3%. Niềm tin tiêu dùng tại thị trường Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 108,0 điểm trong tháng 9, tăng lên từ 103,6 điểm của tháng 8 và vượt qua mức 104,0 điểm theo kỳ vọng. Tại thị trường bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại nước này giảm 2,0% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà giảm 0,6% của tháng trước đó và đồng thời sâu hơn mức giảm 0,9% theo dự báo. Cuối cùng, liên quan đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE của nước Mỹ tăng 0,6% m/m trong tháng 8 sau khi đi ngang (0,0% m/m) ở tháng 7, cao hơn mức tăng 0,5% theo dự báo.

Đọc thêm