Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 12/09 - 16/09/2022

08:04 19/09/2022

Tổng quan:

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản so với Nghị định trước đó. Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về “mục đích phát hành TP” nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành TP đúng mục đích. Theo đó, mục đích phát hành TP là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính DN hoặc mục đích phát hành TP theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua TP. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành TP của DN phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Một điểm quan trọng nữa là mệnh giá TP cũng được sửa đổi tăng từ 100 nghìn đồng hoặc bội số của 100 nghìn đồng lên 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung một số điều khoản về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn TP. Cụ thể, đối với TP đã phát hành tại thị trường trong nước, DN chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của TP khi đáp ứng các quy định sau: a) Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; b) Được số người sở hữu TP đại diện từ 65% tổng số TP cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Cụ thể, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán có thể mua TPDN phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp DN phát hành TP và việc sử dụng vốn phát hành TP của DN. Cụ thể, thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu được quy định rút từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến việc mua lại TP trước hạn, hoán đổi TP. Cụ thể, DN phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi TP. Riêng đối với mua lại trước hạn TP chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của NHNN. Các trường hợp mua lại TP trước hạn bao gồm: mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa DN phát hành và người sở hữu TP; bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch TPDN theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu TP đại diện từ 65% tổng số TP cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận; DN phát hành vi phạm phương án phát hành TP mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số TP cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận...  

Tóm lược thị trường trong nước từ 12/09 - 16/09

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 12/09 - 16/09, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng khá mạnh trở lại. Chốt ngày 16/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.283 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.700 VND/USD.

Tỷ giá LNH tăng mạnh qua các phiên trong tuần qua. Phiên cuối tuần 16/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.669 VND/USD, tăng mạnh 145 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm đan xem qua các phiên. Chốt phiên 16/09, tỷ giá tự do giảm 110 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.090 VND/USD và 24.030 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 12/09 - 16/09, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động theo xu hướng giảm. Chốt ngày 16/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,28% (-0,23 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 4,54% (-0,15 đpt); 2W 4,64% (-0,23 đpt); 1M 5,02% (-0,14%).

Lãi suất USD LNH vẫn chỉ tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 16/09, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 2,48% (-0,02 đpt); 1W 2,64% (-0,03 đpt); 2W 2,76% (-0,01 đpt) và 1M 2,92% (-0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 12/09 - 16/09, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 4.938,33 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 4,6%. Trong tuần có 49.428,75 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 07 ngày ở 3 phiên cuối tuần, có 44.600 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, có 35.324,8 tỷ đồng đến hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN hút ròng 53.765,62 tỷ VND từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm mạnh xuống mức 19.938,32 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành tăng lên mức 54.100,2 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 12/09, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Kết quả, kỳ hạn 3 năm huy động thành công 500/1.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu tại 3,7%/năm. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.500 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 14/09, KBNN huy động thành công 5.100/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 73%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.600/3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,93%/năm (+0,08%) và 3,23% (+0,08%). Kỳ hạn 7 năm và 30 năm đấu thầu thất bại.

Trong tuần vừa qua từ 12/09 – 16/09 và tuần này từ 19/09 – 23/09 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 19/09, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 21/09, KBNN dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 7 năm đến 15 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.867 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 4.627 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 16/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 3,05% (+0,20 đpt); 2 năm 3,13% (+0,08 đpt); 3 năm 3,13% (+0,05 đpt); 5 năm 3,25% (+0,1đpt); 7 năm 3,65% (+0,1 đpt); 10 năm 3,76% (+0,09 đpt); 15 năm 3,85% (+0,08 đpt); 30 năm 4,09% (+0,06 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 12/09 - 16/09, thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm khi cả 3 chỉ số đều giảm điểm, đồng thời giá trị giao dịch ở mức thấp. Chốt tuần 16/09, VN-Index đứng ở mức 1.234,03 điểm, giảm 14,75 điểm (-1,18%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index sụt 11,75 điểm (-4,13%) xuống 272,88 điểm; UPCom-Index mất 1,18 điểm (-1,30%) còn 89,46 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình trên 14.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh 1.511 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.     

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của nước này tăng 0,1% m/m trong tháng 8 sau khi đi ngang ở tháng 7 (0,0% m/m), trái với dự báo giảm nhẹ 0,1%. Như vậy, CPI trong tháng vừa qua tăng 8,3% y/y; cao hơn kỳ vọng chỉ tăng 8,0% của các chuyên gia. CPI lõi thậm chí tăng 0,6% m/m trong tháng 8, cao hơn mức tăng 0,3% theo dự báo, và so với cùng kỳ năm 2021 tăng 6,3% y/y. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần của nước này giảm 0,1% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà giảm 0,5% của tháng 7 và khớp với dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2021, PPI toàn phần tăng 8,7% y/y. Tại lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ giảm 0,3% m/m trong tháng 8 sau khi đi ngang (0,0% m/m) ở tháng trước đó. Mặc dù vậy, doanh số bán lẻ lõi vẫn ghi nhận mức tăng 0,3% m/m trong tháng vừa qua sau khi giảm 0,4% ở tháng 7, trái với dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,1%. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 10/09 ở mức 213 nghìn đơn, giảm xuống từ 218 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên thành 225 nghìn đơn. Cuối cùng, về ngành công nghiệp, sản lượng của ngành này tại Mỹ giảm nhẹ 0,2% m/m trong tháng 8 sau khi tăng 0,5% ở tháng 7, trái với kỳ vọng đi ngang (0,0% m/m). Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ có cuộc họp 2 ngày 20-21/09, kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 22/09 theo giờ Việt Nam. Theo dự báo của CME, có 82% khả năng Fed sẽ tăng LSCS thêm 75 đcb, và 18% khả năng tăng tới 100 đcb trong cuộc họp lần này. Hiện tại. LSCS của Fed đang ở mức 2,25% - 2,50%.

Nước Anh ghi nhận nhiều thông tin kinh tế tương đối tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn phải đương đầu. Đầu tiên, GDP của nước Anh tăng 0,2% m/m trong tháng 7 sau khi giảm 0,6% ở tháng trước đó, thấp hơn một chút so với mức tăng 0,3% theo kỳ vọng. Như vậy, GDP tính theo tháng của nước Anh đã cao hơn khoảng 1,1% so với thời điểm trước khi bị dịch Covid-19 tác động (tháng 02/2020). Tuy nhiên, sản lượng xây dựng và sản lượng công nghiệp của nước này lần lượt giảm 0,8% và 0,3% m/m trong tháng 7, nối tiếp đà giảm 1,4% và 0,9% của tháng 6, trái với dự báo cùng tăng 0,4%. Về lạm phát, chỉ số CPI toàn phần của nước này tăng 9,9% y/y trong tháng vừa qua, thấp hơn một chút so với mức tăng 10,0% của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức tăng 10,1% theo dự báo. Đây là lần đầu tiên CPI y/y hạ nhiệt sau chuỗi tăng 11 tháng liên tiếp. Mặc dù vậy, CPI lõi tăng 6,3% y/y trong tháng 8, trái với dự báo đi ngang ở mức 6,2% như kết quả của tháng 7. Ngày 22/09, NHTW Anh BOE sẽ có cuộc họp CSTT tiếp theo. Theo dự báo tổng hợp bởi Reuters, LSCS của BOE có thể được nâng 50 đcb, lên mức 2,25%.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm