Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.245 VND/USD, tăng mạnh 18 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.545 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên giao dịch 05/09. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.120 VND/USD và 24.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/09, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục tăng mạnh 0,19 – 0,32 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 5,44%; 1W 5,57%; 2W 5,60% và 1M 5,57%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 2,50%; 1W 2,69%; 2W 2,78%, 1M 2,94%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 3,11%; 5Y 3,14%; 7Y 3,46%; 10Y 3,63%; 15Y 3,73%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 14.999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,6%; có 9.952,61 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN; không có tín phiếu đáo hạn. Như vậy, phiên hôm qua NHNN bơm ròng 5.047,38 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 41.999,95 tỷ VND, tín phiếu giữ ở mức 60.925 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang và phân hóa, các chỉ số không tăng nhiều nhưng vẫn có những cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,004%) lên 1.277,40 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,15%) đạt 293,27 điểm; UPCoM-Index mất 0,14 điểm (-0,15%) xuống 91,64 điểm. Thanh khoản thị trường không cải thiện với giá trị giao dịch gần 16.500 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 239 tỷ đồng.
Theo số liệu sơ bộ của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 02/09, đã có 55.500 tỉ đồng được giải ngân theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH giải ngân được 10.073 tỉ đồng. Gần 4,54 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng số tiền 3.045 tỉ đồng. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh… giải ngân được 13,5 tỉ đồng. Các chính sách tài khóa như giảm thuế GTGT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỉ đồng; Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỉ đồng; gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỉ đồng.
Tin quốc tế:
Viện Quản lý cung ứng ISM Mỹ cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 56,9% trong tháng 8, tăng nhẹ từ 56,7% của tháng 7 và trái với dự báo giảm xuống còn 55,4%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp có PMI dịch vụ tăng trưởng sau 4 tháng giảm liên tiếp trước đó.
Trong cuộc họp ngày hôm qua, NHTW Úc RBA quyết định tăng LSCS thêm 50 điểm cơ bản, từ 1,85% lên 2,35%. Cơ quan này cam kết sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0% - 3,0% theo thời gian, đồng thời giữ cho nền kinh tế phát triển ổn định. Mặc dù vậy, RBA cũng nhận định sự cân bằng trên là một con đường hẹp và ẩn chứa nhiều yếu tố bất định. RBA dự báo CPI của năm 2022 vào khoảng 7,75%; giảm xuống còn hơn 4% năm 2023 và chỉ còn khoảng 3% vào năm 2024. RBA nhấn mạnh, ổn định giá cả là điều kiện tiên quyết cho một nền kinh tế vững mạnh, cùng với đó sẽ kéo dài hơn giai đoạn đạt được toàn dụng nhân công. RBA dự kiến sẽ tiếp tục tăng LSCS trong những tháng tới, song không theo lộ trình định trước mà được định hướng bởi dữ liệu và đánh giá của RBA đối với nền kinh tế.
Thu nhập bình quân tại Nhật Bản tăng 1,8% y/y trong tháng 7, thấp hơn mức tăng 2,0% của tháng 6 và đồng thời thấp hơn mức tăng 1,9% theo dự báo. Tiếp theo, mức chi tiêu của các hộ gia đình nước này tăng 3,4% y/y trong tháng 7, thấp hơn mức tăng 3,5% của tháng 6 và kém nhiều so với kỳ vọng tăng 4,5%.
Nguôn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB