Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 30/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.221 VND/USD, tăng trở lại 10 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.419 VND/USD, giảm 16 đồng so với phiên 29/08. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 100 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.050 VND/USD và 24.150 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 30/08, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng mạnh 0,18 – 0,43 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 4,40%; 1W 4,56%; 2W 4,70% và 1M 4,88%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn dài hơn; giao dịch tại: ON 2,49%; 1W 2,66%; 2W 2,76%, 1M 2,94%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm nhẹ ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 3,08%; 5Y 3,08%; 7Y 3,36%; 10Y 3,56%; 15Y 3,67%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 9.952,61 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,5%; có 820,86 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN; có 11.600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, phiên hôm qua NHNN bơm ròng 20.731,75 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 13.144,35 tỷ VND, tín phiếu ở mức 83.455 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá tốt giúp thị trường giữ được sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index tăng 8,59 điểm (+0,68%) đạt 1.279,39 điểm; HNX-Index giảm 1,68 điểm (-0,57%) xuống 293,86 điểm; UPCoM-Index nhích 0,82 điểm (+0,90%) lên 92,39 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm với giá trị giao dịch trên 16.100 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 10 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2022, cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%; bình quân một tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tin quốc tế:
Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên, Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt từ 95,7 điểm trong tháng 7 lên 103,2 điểm trong tháng 8, vượt khá nhiều so với mức 97,4 điểm theo kỳ vọng. Đây là tháng đầu tiên thị trường tiêu dùng Mỹ khôi phục niềm tin, sau 3 tháng suy giảm liên tục trước đó. Tiếp theo, ở thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 11,24 triệu cơ hội việc làm trong tháng 7, cao hơn 11,04 triệu của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức 10,37 triệu theo dự báo. Mặc dù các chỉ báo cho thấy sự tích cực, song nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng điều này sẽ tạo điểm tựa cho Fed trong việc tăng mạnh LSCS để hạ nhiệt lạm phát, và có thể gây ra sự suy giảm đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trong trung hạn. Thậm chí, Chủ tịch chi nhánh New York của Fed John Williams phát biểu cho rằng LSCS cần phải tăng lên cao hơn mức 3,5%; và có thể sẽ không có đợt cắt giảm nào diễn ra trong năm 2023, nhằm đấu tranh với mức lạm phát đã ở quá cao.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI của nước này tăng 0,3% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,9% của tháng 7 và khớp với dự báo. Như vậy, CPI m/m của nước Đức đã tăng 9 tháng liên tiếp, và hiện tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB