Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 22/08 - 26/08/2022

08:30 29/08/2022

 

Tổng quan:

Việc triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn chậm, còn nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ này.

Ngày 16/08, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM chủ động triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ từ NHNN đến các NHTM, từ hội sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch; triển khai cho vay, giải ngân kịp thời để hỗ trợ lãi suất cho các DN, HTX, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Tuy nhiên, Chỉ thị nhấn mạnh NHTM phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của TCTD, không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.

Theo thông tin từ NHNN, đến giữa tháng 8/2022, các NHTM đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ NSNN cho cả chương trình và chi tiết từng năm 2022, 2023. NHNN đã tổng hợp và có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (khoảng 16.035 tỷ đồng) và tổng hợp, bố trí trong dự toán NSNN năm 2023 (khoảng 23.965 tỷ đồng). Về kết quả triển khai, theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Qua số liệu có thể thấy, sau 3 tháng triển khai Nghị định của Chính phủ, mới rất ít hồ sơ được phê duyệt. Còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp xin vay tiền từ ngân hàng theo gói hỗ trợ lãi suất. Trước hết, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, DN phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi vay. Khi các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực cho vay an toàn thì các DN nhỏ và vừa, yếu kém, gặp khó khăn do đại dịch, không có tài sản bảo đảm sẽ không thể tiếp cận được. Thực tế, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay. Về phía người cho vay, nhiều NHTM cũng gặp khó khi các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, nếu không, NH sẽ phải chịu gánh nặng nợ này. Bên cạnh đó, đến hết tháng 8/2022, hạn mức tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được sử dụng tới mức 9,36%/14% được NHNN cấp, việc các NHTM phải cân nhắc đối tượng cho vay là điều hợp lý. Ngoài ra, thủ tục quyết toán 2% lãi suất cũng rất phức tạp, ví dụ đến nay vẫn có NH không quyết toán được khoản hỗ trợ lãi suất 4% trong giai đoạn kích cầu năm 2009. Đây cũng là rào cản khiến các NHTM thêm thận trong khi xem xét cho vay.

Về việc tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này, các bên liên quan và chuyên gia cũng có những ý kiến trái chiều. Một mặt, về phía người vay, các doanh nghiệp cho rằng nên có những chính sách nới lỏng các điều kiện cho vay trong gói hỗ trợ lãi suất 2%, để DN đang còn gặp vướng mắc có thể tiếp cận được với gói hỗ trợ này trong thời gian tới; cụ thể như điều kiện thế chấp tài sản, hoặc có thể cho doanh nghiệp chứng minh bằng hợp đồng sản xuất - xuất khẩu… Ngoài ra, điều DN cần nhất hiện nay là mong Chính phủ có chính sách giãn, cơ cấu lại nợ, gia hạn thêm thời gian trả nợ quá hạn, giúp DN không tăng nhóm nợ, nhờ đó giúp DN có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay NH khi thiếu vốn. Ở hướng ngược lại, các NHTM đều cho rằng, không thể vì để hỗ trợ doanh nghiệp mà cấp tín dụng tràn lan, thực tế, vẫn phải chú trọng đến hiệu quả đề án vay vốn, khả năng trả nợ của DN. Về phía các chuyên gia, họ đều thống nhất với chỉ thị của NHNN về việc không thể nới điều kiện cho vay; việc cho vay phải dựa trên điều kiện tín dụng chặt chẽ, vì đây là khoản vay có rủi ro có thể nói là cao hơn các khoản vay cho DN có sức khỏe tốt; đông thời đây không chỉ là rủi ro ở NH cho vay đây mà của cả hệ thống NH.   

Tóm lược thị trường trong nước từ 22/08 - 26/08

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 22/08 - 26/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt tuần 26/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.212 VND/USD, chỉ tăng 07 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua và bán giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 đồng và 23.400 VND/USD.

Tỷ giá LNH vẫn chỉ tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Phiên cuối tuần 26/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.417 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên 26/08, tỷ giá tự do tăng 130 đồng ở chiều mua vào và 160 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.060 VND/USD và 24.160 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 22/08 - 26/08, lãi suất VND LNH tăng mạnh 03 phiên đầu tuần, sau đó giảm nhẹ trở lại. Chốt ngày 26/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,63% (+1,06 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 4,12% (+1,25 đpt); 2W 4,32% (+0,88 đpt); 1M 4,63% (+0,53%).

Lãi suất USD LNH tiếp tục biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt tuần 26/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 2,50% (không thay đổi); 1W 2,65% (-0,01 đpt); 2W 2,78% (+0,02 đpt) và 1M 2,93% (+0,04 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 22/08 - 26/08, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố 3 phiên đầu với kỳ hạn 07 ngày, 2 phiên cuối tuần kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 4.588,2 tỷ đồng trúng, lãi suất ở mức 4,0 – 4,1%. Trong tuần có 1.595,96 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với các kỳ hạn 07 ngày, 14 ngày và 28 ngày. Có 33.730 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất lần lượt là 2,6%, 3,45% và 4,0%; có 76.629,7 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN bơm ròng 45.891,94 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 4.588,2 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành là 96.055 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 22/08, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Kết quả, phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 24/08, KBNN huy động thành công 5.115/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 79%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.615/3.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,80%/năm (+0,05%) và 3,10%/năm (+0,05%).

Trong tuần vừa qua từ 22/08 – 26/08 có 400 tỷ đồng TPCP đáo hạn; tuần này từ 29/08 – 02/09 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 29/08, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 31/08, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 7 năm đến 15 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.852 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực so với mức 4.898 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 26/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2,61% (+0,02 đpt); 2 năm 3,04% (+0,07 đpt); 3 năm 3,06% (+0,06 đpt); 5 năm 3,07% (+0,07đpt); 7 năm 3,35% (+0,07 đpt); 10 năm 3,53% (+0,05 đpt); 15 năm 3,66% (+0,05 đpt); 30 năm 4% (-0,02 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 22/08 - 26/08, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể xác định xu hướng chủ đạo, các chỉ số tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt tuần 26/08, VN-Index đứng ở mức 1.282,57 điểm, tăng 13,39 điểm (+1,06%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,56 điểm (+0,52%) đạt 299,50 điểm; UPCom-Index tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,12%) lên 92,88 điểm.

Thanh khoản thị trường không cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 17.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên 1.114 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.  

Tin quốc tế

Chủ tịch Fed quyết tâm chống lạm phát, bên cạnh đó nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế tương đối tích cực. Trong hội nghị các NHTW tại Jackson Hole ngày 26/08, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nước Mỹ cần thắt chặt CSTT trong một thời gian nhất định để kiểm soát lạm phát. Điều này có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm hơn, song ông Powell cho rằng đây là cái giá của việc hạ lạm phát và “không thể khôi phục sự ổn định về giá cả sẽ gây ra nỗi đau lớn hơn nhiều. Kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 tới nay, Fed đã có 4 đợt nâng liên tiếp với tổng mức tăng 225 điểm cơ bản, lên mức 2,25% - 2,50%. Sau khi Chủ tịch Powell phát biểu, CME dự báo có 40% khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng 50 đcb trong cuộc họp ngày 21/09 và 60% còn lại là tăng 75 đcb; đảo ngược tỷ lệ 60% - 40% trước đó. Liên quan tới kinh tế Mỹ, báo cáo sơ bộ lần 2 cho thấy GDP của quốc gia này chỉ giảm 0,6% q/q trong quý II/2022, nhẹ hơn mức giảm 0,9% theo báo cáo sơ bộ lần 1, đồng thời nhẹ hơn mức giảm 0,7% theo dự báo của các chuyên gia. Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE tăng nhẹ 0,1% m/m trong tháng 7, giảm tốc so với mức tăng 0,6% của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Tiếp theo, doanh số bán nhà mới tại Mỹ chỉ đạt 511 nghìn căn trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với 585 nghìn căn của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 574 nghìn căn theo kỳ vọng. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 20/08 ở mức 243 nghìn đơn, giảm nhẹ so với 245 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 250 nghìn đơn theo dự báo.

Eurozone ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất của Eurozone đạt 49,7 điểm trong tháng 8, giảm nhẹ so với 49,8 điểm của tháng 7, song tích cực hơn mức 48,9 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 50,2 điểm, giảm từ 51,2 điểm của tháng trước và xuống sâu hơn 50,5 điểm theo dự báo. Tại Đức, PMI sản xuất tháng 8 đạt 49,3 điểm, cải thiện nhẹ so với 49,3 điểm của tháng 7, và PMI dịch vụ chỉ đạt 48,2 điểm; tiếp tục giảm từ 49,7 điểm của tháng 7. GDP của nước Đức được thông báo chính thức tăng nhẹ 0,1% q/q trong quý II, tích cực hơn với kết quả đi ngang (0,0% q/q) theo báo cáo sơ bộ. Như vậy, mặc dù không mấy ấn tượng, song nước Đức vẫn có 2 quý tăng trưởng liên tiếp trong nửa đầu năm 2022 (quý I tăng 0,2% q/q). Cuối cùng, Ifo khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh tại nước Đức đạt 88,5 điểm trong tháng này, chỉ giảm nhẹ so với 88,7 điểm của tháng trước đó, và vẫn cao hơn mức 86,7 điểm theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm