Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 25/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.234 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.428 VND/USD, giảm 22 đồng so với phiên 24/08. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.060 VND/USD và 24.160 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 25/08, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,12 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 3,73%; 1W 4,13%; 2W 4,33% và 1M 4,61%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,02 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 2,48%; 1W 2,63%; 2W 2,74%, 1M 2,92%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn, chỉ giảm nhẹ ở kỳ hạn 10Y cụ thể: 3Y 3,05%; 5Y 3,07%; 7Y 3,34%; 10Y 3,53%; 15Y 3,66%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,1%; có 292,12 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào tín phiếu NHNN với kỳ hạn 14 ngày; có 6.100 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 3,44%; có 10.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, phiên hôm qua NHNN bơm ròng 4.807,87 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 4.003,28 tỷ VND, tín phiếu ở mức 96.255 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, thị trường tiếp tục có phiên tích cực nhờ nhóm blue-chips có mặt bằng giá khá cao, giữ nhịp cho cả 3 chỉ số. Chốt phiên, VN-Index tăng 11,72 điểm (+0,92%) đạt 1.288,88 điểm; HNX-Index cộng 0,56 điểm (+0,19%) lên 301,86 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,29 điểm (+0,31%) lên 93,59 điểm. Thanh khoản thị trường tương tự phiên trước đó với giá trị giao dịch gần 18.000 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng khoảng 87 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 8 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022, Tổng cục Thống kê ước tính, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 ước tăng 0,006% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2022 CPI ước tính tăng khoảng 2,58%-2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân năm 2022 trong khoảng 3,4-3,7%.
Tin quốc tế:
Đầu tiên, GDP của Mỹ chỉ giảm 0,6% q/q trong quý II/2022, tích cực hơn mức giảm 0,9% theo báo cáo sơ bộ lần 1, và đồng thời tích cực hơn mức giảm 0,7% theo dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 20/08 ở mức 243 nghìn đơn, giảm nhẹ so với 245 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 250 nghìn đơn theo dự báo. Hôm nay, thị trường chờ đợi thông tin về chỉ số giá tiêu dùng PCE tại Mỹ, đồng thời Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị kinh tế Jackson Hole.
Tổ chức Ifo khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức đạt 88,5 điểm trong tháng này, chỉ giảm nhẹ so với 88,7 điểm của tháng trước đó, vẫn cao hơn mức 86,7 điểm theo dự báo. GDP của nước này được thông báo chính thức tăng nhẹ 0,1% q/q trong quý II, tích cực hơn với kết quả đi ngang (0,0% q/q) theo báo cáo sơ bộ. Như vậy, mặc dù không mấy ấn tượng, song nước Đức vẫn có 2 quý tăng trưởng liên tiếp trong nửa đầu năm 2022 (quý I tăng 0,2% q/q).
Chính phủ Trung Quốc ngày 24/08 đưa ra gói chính sách có quy mô 1.000 tỷ CNY (tương đương 146 tỷ USD) bao gồm 19 điểm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang bị đe dọa bởi Covid-19 và khủng hoảng ở lĩnh vực bất động sản. Mặc dù vậy, Thủ tướng Trunng Quốc Lý Khắc Cường cam kết sử dụng các công cụ sẵn có một cách hợp lý và sẽ không thay đổi lập trường thận trọng trong năm 2022.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB