Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 15/08 - 19/08/2022

08:00 22/08/2022

Tổng quan:

Giải ngân vốn đầu tư công sau 7 tháng đầu năm 2022 vẫn ở mức thấp, Chính phủ thực hiện những biện pháp quyết liệt để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công của năm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các Nghị quyết của Quốc hội là 542.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 222.000 tỷ đồng, vốn NSĐP là 304.105,895 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 là 16.000 tỷ đồng. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 56.457,027 tỷ đồng, chiếm 10,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 56.032,125 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 424,902 tỷ đồng. Về tình hình giải ngân vốn NSNN 7 tháng đầu năm 2022, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, 01 cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%; có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), đặc biệt có 07 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, có khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 3 nhóm chính đó là Nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; Nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; Nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Thứ nhất, về nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực NSNN và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công. Thứ hai, liên quan đến đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện; Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt. Thứ ba, nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng; một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói nên khó khăn khi xảy ra biến động giá, nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá VLXD, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá VLXD, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 với số vốn gấp hơn, 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Nghị quyết (trong đó có 02 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 03 công điện, 07 văn bản; tổ chức 01 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Sau phiên họp Chính phủ tháng 7 diễn ra đầu tháng 8, Chính phủ tuyên bố sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này, đề cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.     

Tóm lược thị trường trong nước từ 15/08 - 19/08

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 15/08 - 19/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng khá mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt tuần 19/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.205 VND/USD, tăng mạnh 52 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD trong cả tuần.

Tỷ giá LNH tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 19/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.405 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do gần như không thay đổi trong tuần qua, duy có phiên cuối tuần tăng nhẹ trở lại. Chốt phiên 19/08, tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.930 VND/USD và 23.980 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 15/08 - 19/08, lãi suất VND LNH giảm tiếp 2 phiên đầu tuần rồi quay đầu tăng trở lại. Chốt ngày 19/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,57% (-0,10 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,87% (không thay đổi); 2W 3,44% (+0,32 đpt); 1M 4,09% (+0,41%).

Lãi suất USD LNH tiếp tục biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt tuần 19/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 2,50% (không thay đổi); 1W 2,66% (-0,04 đpt); 2W 2,76% (-0,04 đpt) và 1M 2,89% (-0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 15/08 - 19/08, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 1.595,96 tỷ đồng trúng, lãi suất đều ở mức 3,5%. Trong tuần có 7.703,35 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với các kỳ hạn 07 ngày, 14 ngày và 28 ngày. Có 114.829,7 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất lần lượt là 2,6%, 3,0% và 3,45%; có 21.700 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN hút ròng 99.237,09 tỷ VND từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.595,96 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành là 138.954,7 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 15/08, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Kết quả, phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 17/08, KBNN huy động thành công 5.045/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 78%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.545/3.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,75%/năm (+0,03%) và 3,05%/năm (+0,05%).

Trong tuần vừa qua từ 15/08 - 19/08 không có TPCP đáo hạn và tuần này từ 22/08 – 26/08 có 400 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 22/08, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 17/08, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4.898 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 6.857 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 19/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2,6% (+0,03 đpt); 2 năm 2,96% (+0,02 đpt); 3 năm 3% (+0,01 đpt); 5 năm 3% (+0,01đpt); 7 năm 3,28% (+0,06 đpt); 10 năm 3,49% (-0,01 đpt); 15 năm 3,61% (-0,01 đpt); 30 năm 4,02% (+0 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 15/08 - 19/08, thị trường chứng khoán tăng – giảm đan xen, các chỉ số chốt tuần trong sắc xanh nhưng vẫn không thể bứt xa khỏi mốc tham chiếu. Chốt tuần 19/08, VN-Index đứng ở mức 1.262,33 điểm, tăng 9,59 điểm (+0,77%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 3,52 điểm (+1,17%) đạt 303,42 điểm; UPCom-Index tăng 1,52 điểm (+1,66%) lên 92,84 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 17.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 682 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.    

Tin quốc tế

Biên bản họp Fed tháng 7 cho thấy cơ quan này có thể tiếp tục tăng LSCS trong tháng 9. Trong biên bản công bố ngày 18/08 theo giờ Việt Nam, Fed cho biết một số chỉ báo kinh tế cho thấy mức tăng chậm lại, song thị trường lao động vẫn là điểm sáng với tỷ lệ thất nghiệp thấp và số cơ hội việc làm luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, lạm phát vẫn cao, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu do đại dịch, do giá lương thực và năng lượng cao và áp lực giá mạnh. Theo đó, Fed quyết định nâng LSCS lên mức từ 2,25 – 2,5% và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong các phiên họp tiếp theo nhằm chống lạm phát, nhưng biên độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào điều kiện của thị trường. Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 20-21/09, kết quả cuộc họp được thông báo vào sáng sớm ngày 22/09 theo giờ Việt Nam.

Liên quan đến chỉ báo kinh tế Mỹ, doanh số bán lẻ toàn phần tại nước này tăng 0,4% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 0,9% ở tháng 6, trái với dự báo giảm nhẹ 0,1%. Doanh số bán lẻ lõi đi ngang trong tháng 7 (0,0% m/m) sau khi tăng 0,8% ở tháng 6, gần khớp với dự báo tăng nhẹ 0,1%. Tiếp theo, ở thị trường xây dựng, số cấp phép xây nhà tại Mỹ đạt 1,67 triệu đơn trong tháng 7, giảm nhẹ so với 1,70 triệu đơn của tháng 6 song vẫn cao hơn mức 1,65 triệu đơn theo dự báo. Số nhà khởi công tại nước này trong tháng vừa qua chỉ đạt 1,45 triệu căn, thấp hơn khá nhiều so với 1,60 triệu căn của tháng 6 và đồng thời thấp hơn mức 1,53 triệu căn như kỳ vọng. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 13/08 ở mức 250 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 252 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên thành 265 nghìn đơn.

Nước Anh ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý, lạm phát vẫn tăng mạnh và thị trường lao động duy trì trạng thái tích cực. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của nước Anh tăng 10,1% y/y trong tháng 7, cao hơn mức 9,4% của tháng 6 và đồng thời vượt qua mức 9,8% theo dự báo. Như vậy, mức tăng của tháng 7 lập kỷ lục mới trong vòng 40 năm trở lại đây. Chỉ số CPI lõi trong tháng vừa qua cũng tăng 6,2%; cao hơn mức 5,8% của tháng 6 và cả mức 5,9% theo dự báo. Ở thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Anh ở mức 3,8% trong tháng 6, không thay đổi so với tháng 5 và khớp với dự báo của các chuyên gia. Đây cũng là tỷ lệ thất nghiệp thấp mà nước Anh từng đạt được trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tiếp theo, thu nhập bình quân của người lao động Anh tăng 5,1% 3m/y trong 3 tháng 04-05-06, thấp hơn mức 6,2% của tháng 03-04-05 song vượt qua mức 4,7% theo dự báo. Với hai chỉ báo trên, thị trường cho rằng NHTW Anh BOE sẽ tiếp tục tăng mạnh LSCS 50 điểm cơ bản, lên mức 2,25% trong cuộc họp ngày 15/09 tới.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm