Tổng quan:
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại mấy tháng gần đâu sau khi sụt giảm vào tháng 4 sau vụ Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam VBMA, từ 01 - 29/07/2022, có 28 đợt phát hành TPDN riêng lẻ được công bố với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 15.058 tỷ đồng (chiếm 81% tổng giá trị phát hành), đứng đầu là BIDV với khối lượng phát hành 4.494 tỷ đồng, tiếp theo là MB với 3.000 tỷ đồng. Trong tháng qua, dù lượng trái phiếu do TCTD phát hành vẫn chiếm khối lượng lớn nhất, song so với tháng 7/2021 vẫn giảm hơn 30%. Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2.225 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành); đặc biệt với Công ty Tài chính cổ phần Điện lực khi phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ có bảo lãnh một phần của GuarantCo và tuân theo chuẩn mực phát hành của ICMA. Theo tổ chức xếp hạng FiinRatings, trong tháng 7, trong 28 lô TPDN được phát hành ra thị trường nhưng chỉ có 5 lô là có tài sản đảm bảo dưới hình thức cổ phiếu của công ty mẹ. Kỳ hạn trái phiếu phát hành trong tháng 7 có sự kéo dài nhẹ so với trung bình năm 2021 và các tháng trước đó. Đơn cử, trái phiếu do TCTD phát hành có kỳ hạn bình quân khoảng 5 năm, dài hơn đáng kể so với mức bình quân 3,4 năm trước đó của nửa đầu năm nay. Về lãi suất chào bán, lãi suất phát hành trái phiếu của các TCTD dao động xung quanh mức 4,3 – 7,6%, tăng rõ rệt so với mức lãi suất trung bình của nhóm trong 6 tháng đầu năm 2022 là 4,35%. Trái phiếu duy nhất của nhóm Bất động sản được phát hành trong tháng 7 thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, cũng mang lãi suất danh nghĩa cao hơn mức trung bình của nửa đầu năm nay, với mức 11%.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái (bằng khoảng 4,5% tổng giá trị phát hành); giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 191.279 tỷ đồng, giảm 38% (chiếm khoảng 95,5% tổng giá trị phát hành).
Theo Bộ Tài chính, phát hành riêng lẻ TPDN đang dần tăng trở lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro mặc dù trước đó nhiều DN vi phạm quy định về phát hành TPDN bị phát hiện. Bộ Tài chính cũng cảnh báo tình trạng bất thường khi môi giới của một số doanh nghiệp và TCTC mời chào nhà đầu tư mua TPDN cũng tương tự như hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng, với lãi suất có thể lên tới 12 - 13%/năm. Khác với TPDN chào bán ra công chúng được UB CKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán, TPDN riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép. Việc TCTD, CTCK phân phối chào mời TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn hay bảo lãnh cho các trái phiếu này. Trên thực tế, các tổ chức này không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cảnh báo một số yếu tố bất thường trong phát hành khác của DN như: để nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của DN phát hành, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện và phê duyệt dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để sớm có khuôn khổ chặt chẽ hơn trong các điều kiện phát hành như giám sát mục đích phát hành, yêu cầu thẩm định tài sản đảm bảo…, từ đó góp phần giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững. Một số chuyên gia bổ sung, việc xếp hạng tín nhiệm DN phát hành trái phiếu cũng là một trong những giải pháp để giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Nếu đảm bảo được tính minh bạch trong việc xếp hạng tín dụng, DN có thể dễ dàng hơn trong việc phát hành trái phiếu.
Tóm lược thị trường trong nước từ 01/08 - 05/08
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 01/08 - 05/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm ở 2 phiên đầu tuần rồi tăng trở lại ở các phiên cuối tuần. Chốt tuần 05/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.182 VND/USD, tăng nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD trong cả tuần.
Tỷ giá LNH biến động tăng dần trong tuần qua. Chốt tuần 05/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.390 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trái lại, tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh trong tuần qua, chốt phiên 05/08 giảm 200 đồng ở chiều mua vào và 210 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.150 VND/USD và 24.200 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 01/08 - 05/08, lãi suất VND LNH biến động theo xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn dù có vài phiên giảm nhẹ. Chốt ngày 05/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,22% (+0,39 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 4,32% (+0,40 đpt); 2W 4,32% (+0,60 đpt); 1M 4,38% (+0,70%).
Lãi suất USD LNH chỉ biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt tuần 05/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 2,50% (không thay đổi); 1W 2,69% (+0,02 đpt); 2W 2,79% (+0,03 đpt) và 1M 2,94% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 01/08 - 05/08, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 10.999,95 tỷ đồng trúng, lãi suất tăng dần từ 3,8% đến 4,5%. Trong tuần có 52.259,5 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chỉ chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 07 ngày tại phiên cuối tuần qua. Có 12.000 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 2,6%, có 51.899,9 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.
Như vậy, NHNN hút ròng 1.359,65 tỷ VND từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 10.999,95 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành là 71.024,5 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 01/08, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 03/08, KBNN huy động thành công 6.000/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 92%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 6.000 tỷ đồng TPCP. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,67%/năm (+0,09%) và 2,94%/năm (+0,11%). Kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại.
Trong tuần vừa qua từ từ 01/08 - 05/08 và tuần này từ 08/08 – 12/08 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 08/08, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 10/08, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.320 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 4.857 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 05/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2,58% (+0,02 đpt); 2 năm 3,03% (+0,06 đpt); 3 năm 3,06% (+0,02 đpt); 5 năm 3,07% (+0,03đpt); 7 năm 3,28% (+0,06 đpt); 10 năm 3,59% (+0,09 đpt); 15 năm 3,72% (+0,05 đpt); 30 năm 4,04% (+0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 01/08 - 05/08, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tích cực 4 phiên đầu tuần nhưng đã chững lại ở phiên cuối. Chốt tuần 05/08, VN-Index đứng ở mức 1.252,74 điểm, tăng 46,41 điểm (+3,85%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 11,29 điểm (+3,91%) đạt 299,90 điểm; UPCom-Index tăng 1,71 điểm (+1,91%) lên 91,32 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện mạnh với giá trị giao dịch trung bình gần 18.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 488 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin quan trọng, trong đó đáng chú ý là sự tích cực của thị trường lao động. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 52,8% trong tháng vừa qua, giảm nhẹ từ 53,0% của tháng 6 và vẫn cao hơn mức 52,3% theo dự báo. Ở lĩnh vực dịch vụ, PMI đạt 56,7% trong tháng 7 vừa qua, tăng so với 55,3% của tháng trước đó, trái với dự báo giảm xuống còn 53,5%. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ tăng 2,0% m/m trong tháng 6, cao hơn mức tăng 1,8% của tháng 5 và vượt qua mức tăng 1,3% theo dự báo. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 10,70 triệu cơ hội việc làm trong tháng 6, thấp hơn mức 11,30 triệu trong tháng 5 và đồng thời thấp hơn mức 10,99 triệu theo dự báo. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức cơ hội việc làm cao trong vòng nhiều thập kỷ. Quốc gia này cũng tạo ra 528 nghìn việc làm phi nông nghiệp trong tháng vừa qua, cao hơn mức 398 nghìn của tháng 6 và cao hơn nhiều so với kỳ vọng ở 250 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ trong tháng 7 giảm xuống còn 3,5%; trái với dự báo đi ngang ở 3,6% như kết quả của tháng 6. Cuối cùng, thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 7, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 6, đồng thời vượt qua mức tăng 0,3% theo dự báo.
NHTW Úc RBA và NHTW Anh BOE cùng tăng mạnh LSCS trong tuần vừa qua. Cụ thể, ngày 02/08, RBA quyết định nâng LSCS 50 điểm cơ bản lên mức 1,85%. Đây là lần tăng LSCS thứ 4 liên tiếp của cơ quan này, cũng là chuỗi tăng LSCS nhanh nhanh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. RBA cam kết nỗ lực tạo ra cân bằng cung cầu bền vững hơn trong nền kinh tế quốc nội, đưa lạm phát quay trở lại ngưỡng mục tiêu 2,0% - 3,0%. Thống đốc Lowe cho biết LSCS có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, song quy mô và thời điểm tăng sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. Tại Anh, ngày 04/08, BOE cũng quyết định tăng LSCS 50 điểm, từ mức 1,25% lên 1,75%, với sự đồng thuận của cả 9 thành viên Ủy ban CSTT. Đây là đợt tăng LSCS lần thứ 6 của BOE kể từ tháng 12/2021, đồng thời là đà chuỗi tăng LSCS mạnh nhất của cơ quan này trong vòng 27 năm, đưa LS của Anh lên mức cao nhất kể từ 2008. BOE cho biết lạm phát của Anh hiện tại ở khoảng 9,4% và có thể tăng lên hơn 13% vào quý IV/2022, sau đó ở mức cao trong phần lớn năm 2023 trước khi giảm xuống mức mục tiêu 2,0% trong 2 năm sau đó. BOE cũng cảnh báo kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm lại và có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái kể từ quý IV năm nay. Trong tháng 8 không còn cuộc họp CSTT nào của các NHTW lớn, các cơ quan này đều có lịch họp trong tháng 9, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ họp vào ngày 20-21/09.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB