Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.196 VND/USD, giảm tiếp 11 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.354 VND/USD, giảm mạnh 36 đồng so với phiên 25/07. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.330 VND/USD và 24.400 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/07, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục tăng 0,01 - 0,76 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,29%; 1W 4,23%; 2W 3,94% và 1M 3,91%. Lãi suất chào bình quân LNH USD cũng tăng 0,02 - 0,06 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 1,78%; 1W 2,13%; 2W 2,29%, 1M 2,48%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,83%; 5Y 2,89%; 7Y 3,23%; 10Y 3,35%; 15Y 3,58%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN tăng chào thầu trên kênh cầm cố lên 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất với lãi suất sàn là 2,50%. Có 14.999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 3,8%, trong khi có 213,46 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào tín phiếu NHNN phiên hôm qua, trong khi có 1.999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 16.786,43 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 31.911,55 tỷ VND, tín phiếu ở mức 117.154,1 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, mặc dù sắc xanh bao phủ trên thị trường trong phiên sáng, sau đó các chỉ số đã giảm trở lại và chốt phiên dưới mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,43 điểm (-0,29%) xuống mức 1.185,07 điểm; HNX-Index giảm 2,50 điểm (-0,88%) còn 282,88 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,06 điểm (+0,07%) lên 88,41 điểm. Thanh khoản thị trường không cải thiện với giá trị giao dịch gần 11.000 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 51 tỷ đồng.
Trong ấn bản “Bổ sung triển vọng phát triển châu Á - ADO 2022" được Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố tháng 7/2022, Ngân hàng này giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố hồi tháng 4. Theo chuyên gia ADB, tăng trưởng được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công. Dự báo lạm phát cũng không thay đổi so với hồi tháng 4 ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.
Tin quốc tế:
IMF tiếp tục hạ triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo mới ra ngày 26/07, IMF dự báo GDP thế giới năm 2022 chỉ tăng 3,2% (-0,4 đpt so với dự báo hồi tháng 4). Trong các nền kinh tế phát triển, GDP Mỹ được dự báo tăng 2,3% (-1.4 đpt); Eurozone tăng 2,6% (-0,2 đpt); Nhật Bản tăng 1,7% (-0,7 đpt) và Anh tăng 3,2% (-0,5 đpt). Tại các quốc gia đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 4,6% năm 2022 (-0,8 đpt). Riêng nhóm ASEAN 5 được dự báo tăng 5,3%; không thay đổi so với dự báo trước. Sang năm 2023, IMF tiếp tục hạ tăng trưởng kinh tế thế giới còn 2,9% (-0,7 đpt), và tất cả các khu vực nói trên đều bị điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng (từ 0,05 đến 1,3 đpt). IMF nhận định lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức cao, có thể đạt 6,6% trong năm nay (+0,9 đpt). Cơ quan này cảnh báo thế giới có thể đối mặt với suy thoái, chỉ 2 năm sau lần suy thoái mới nhất do đại dịch Covid-19.
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin quan trọng. Đầu tiên, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 95,7 điểm trong tháng 7, giảm từ 98,7 điểm của tháng 6 và đồng thời xuống thấp hơn mức 97,3 điểm theo dự báo. Tiếp theo, giá nhà tại nước này tiếp tục tăng 1,4% m/m trong tháng 5 nối tiếp đà tăng 1,5% của tháng 4, thấp hơn một chút so với dự báo tăng 1,5%. Cuối cùng, doanh số bán nhà mới tại Mỹ đạt 590 căn trong tháng 6 vừa qua, thấp hơn so với mức 642 nghìn căn của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đạt 663 nghìn căn. Hôm nay, Cục Dự trữ Liên bang Fed có buổi họp CSTT ngày thứ 2, kết quả của cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm mai ngày 28/07 theo giờ Việt Nam.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB