Dư nợ tín dụng bất động sản đến 31/5 đạt 2,33 triệu tỷ, tăng 12,31% so với cuối năm 2021

07:57 15/07/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 14/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.201 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.418 VND/USD, tăng mạnh 26 đồng so với phiên 13/07. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 130 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.280 VND/USD và 24.310 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 14/07, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 - 0,03 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,10 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,80%; 1W 1,35%; 2W 1,68% và 1M 2,12%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi đi ngang ở kỳ hạn 2W, giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 1,71%; 1W 1,81%; 2W 1,89%, 1M 2,0%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,37%; 5Y 2,41%; 7Y 3,02%; 10Y 3,27%; 15Y 3,49%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 204,12 tỷ đồng trúng thầu, trong khi có 129 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Có 3.999,8 tỷ đồng trúng thầu với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9% và 3.650 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,5%; có 19.999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 12.425,12 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.926,72 tỷ VND, tín phiếu ở mức 178.748,7 tỷ VND.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sau khi giảm đầu phiên, chứng khoán Việt Nam đã lấy được đà tăng trở lại, cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng trần. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,25 điểm (+0,70%) lên 1.182,17 điểm; HNX-Index tăng 3,39 điểm (+1,20%) đạt 284,75 điểm; UPCoM-Index vẫn chỉ nhích nhẹ 0,10 điểm (+0,11%) lên 87,19 điểm. Thanh khoản thị trường quanh mức thấp với giá trị giao dịch đạt gần 12,800 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng 154 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 14/07, tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đến thời điểm 31-5-2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỉ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế. Trong đó, TD BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỉ đồng, tăng 14,41% so với cuối năm ngoái, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ TD với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 ngàn tỉ đồng, tăng 8,4% và chiếm tỷ trọng 33,7%.

Tin quốc tế:

Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần của nước này tăng 1,1% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 0,8% của tháng 5 và đồng thời cũng cao hơn mức tăng 0,8% theo dự báo. PPI lõi trong tháng vừa qua cũng ghi nhận mức tăng 0,4% m/m; gần bằng mức tăng 0,5% của tháng 5. So với cùng kỳ 2021, PPI toàn phần và PPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 11,3% và 6,4% y/y. Tiếp theo, ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 09/07 ở mức 244 nghìn đơn, trái với dự báo đi ngang ở mức 235 nghìn đơn của tuần trước đó. Đây là mức đơn xin trợ cấp lớn nhất kể từ cuối tháng 01/2022.

Nước Úc tạo ra 88,4 nghìn việc làm mới trong tháng 6, cao hơn mức 60,6 nghìn của tháng 5 đồng thời vượt qua kỳ vọng ở mức 30 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng giảm xuống còn 3,5% từ 3,9% của tháng 5, tích cực hơn mức 3,8% theo dự báo.

Ủy ban Châu Âu EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,7% được đưa ra vào tháng 5. Trong năm 2023, khi tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine và giá năng lượng tăng cao trở nên rõ ràng hơn, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ ở mức 1,4%, thay vì 2,3% như dự báo trước đó. Bên cạnh đó, EC dự báo lạm phát của Eurozone sẽ đạt đỉnh ở mức 7,6% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 4% trong năm 2023. Bất chấp những nguy cơ trên, EC nhận định Eurozone sẽ không rơi vào suy thoái và các con số dự báo có thể cải thiện, nếu giá dầu và hàng hóa tiêu dùng tiếp tục đà giảm như thời gian gần đây.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm