Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 11/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.170 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.351 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên 08/07. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở chiều mua vào trong khi tăng 80 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.040 VND/USD và 24.150 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 11/07, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,06 đpt ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,06 - 0,22 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,74%; 1W 1,36%; 2W 1,74% và 1M 2,20%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở ON trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 1W và 2W, giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 1,69%; 1W 1,80%; 2W 1,91%, 1M 2,02%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 5Y và 7Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 2,35%; 5Y 2,39%; 7Y 3,01%; 10Y 3,25%; 15Y 3,46%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 295,93 tỷ đồng trúng thầu, trong khi có 213,24 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Có 4.150 tỷ đồng trúng thầu với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9% và 14.999,9 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,5%; có 6.300 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 12.767,21 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 2.045,6 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 187.624,4 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 11/07, KBNN gọi thầu 2.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm. Trong đó, kỳ hạn 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chứng khoán chịu sức ép giảm điểm từ nhiều cổ phiếu trụ lớn trong nhóm ngân hàng và nhóm cổ phiếu họ Vin. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 16,02 điểm (-1,37%) xuống mức 1.155,29 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0,87 điểm (-0,31%) còn 276,93 điểm; UPCoM-Index mất 0,71 điểm (-0,82%) còn 86,25 điểm. Thanh khoản thị trường không cải thiện với giá trị giao dịch đạt trên 13,000 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ 2 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Liên bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu từ ngày 11/07, thực hiện đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, xăng E5RON92 có giá 27.788 đồng/lít, sau khi thực hiện giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; Xăng RON95-III giá 29.675 đồng/lít, giảm 3.088 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa giá 26.345 đồng/lít, giảm 2.008 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giá 17.712 đồng/kg, giảm 2.010 đồng/kg.
Tin quốc tế:
Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey bảo lưu quan điểm mà BOE đưa ra ở đầu tháng 5, rằng lạm phát đã lên rất cao, ở mức 9,1% trong tháng 5, có thể đạt đỉnh hơn 11% vào tháng 10, sau đó hạ nhiệt vào năm tới, quay trở lại mức mục tiêu 2,0% trong khoảng 2 năm. Tuy nhiên, Thống đốc BOE cũng cảnh báo, áp lực giá khí đốt và các chi phí nội địa tăng lên có thể thay đổi những dự báo trên. Ông Bailey cũng cho biết thêm, BOE sẽ có nhiều việc cần làm trong tháng 8. Cơ quan này sẽ đánh giá mức độ sốc đối với nền kinh tế từ việc tăng mạnh LSCS. Ông Bailey cũng từ chối bình luận về các ý kiến cho rằng giảm thuế sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát. Ông nhận định, ở mọi hoàn cảnh, tính độc lập của BOE phải được tôn trọng, kể cả khi các nhà lập pháp Anh đổ lỗi cho cơ quan này là nguyên nhân gây ra lạm phát cao, hay lạm phát tại Anh sẽ giảm chậm hơn so với các nền kinh tế khác.
Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo, giá trị đơn đặt hàng máy móc của nước này giảm 5,6% m/m trong tháng 5 sau khi tăng 10,8% ở tháng trước đó, gần khớp với dự báo giảm 5,3%. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, giá trị đơn đặt hàng vẫn tăng 7,4% trong tháng 5, giảm tốc so với mức 19,0% của tháng 4.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB