Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 28/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.092 VND/USD, giảm tiếp 10 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.259 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên 27/06. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.910 VND/USD và 23.970 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 28/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,08 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,11 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,70%; 1W 1,24%; 2W 1,60% và 1M 2,19%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,02 - 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 1,58%; 1W 1,72%; 2W 1,81%, 1M 1,93%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 2,25%; 5Y 2,39%; 7Y 3,01%; 10Y 3,26%; 15Y 3,47%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, vẫn với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 332,76 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 394,86 tỷ đồng đáo hạn. NHNN tiếp tục chào tín phiếu NHNN kỳ hạn 07 ngày. Có 15.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 0,65%, có 200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 14.862,10 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.301,64 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 99.399,5 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiếp tục hưng phấn nhờ sức kéo của cố phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt nhóm ngân hàng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,28 điểm (+1,27%) lên 1.218,10 điểm; HNX-Index tăng 3,45 điểm (+1,23%) đạt 283,87 điểm; UPCom-Index cũng tăng 0,87 điểm (+0,99%) lên 89,01 điểm. Thanh khoản thị trường nhích nhẹ so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 16,500 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng 179 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 116.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới là 76.233 DN, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức kỷ lục hiện nay. Về số vốn, dù giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021, với giá trị 882.122 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng gần 20% so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (749.019 tỷ đồng). Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, ghi nhận tới 83.570 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2021 (thấp hơn mức tăng 24,9% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020), chủ yếu là DN tạm ngừng kinh doanh (50.909 DN, chiếm 60,9%).
Tin quốc tế:
Chủ tịch chi nhánh San Francisco của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed Mary Daly, trong một buổi phỏng vấn cho biết, cơ quan này đang làm việc để hạ lạm phát, bằng cách tăng LS nhằm giảm nhu cầu chung. Tuy nhiên, Fed hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại chứ không bước vào suy thoái. Cũng trong ngày hôm qua, Chủ tịch chi nhanh New York John Williams cũng nhận định Fed cần hành động quyết đoán để kiềm chế lạm phát. Về cuộc họp tiếp theo, ông nghĩ mức tăng LSCS 50 điểm hay 75 điểm sẽ là đề tài tranh luận chính. Cả hai quan chức trên đều dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, nhưng thị trường lao động Mỹ thực sự đang rất mạnh, đảm bảo cho quốc gia này không rơi vào một cuộc suy thoái.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, niềm tin tiêu dùng tại quốc gia này do Conference Board khảo sát đạt 98,7 điểm trong tháng 6, giảm từ 103,2 điểm của tháng trước và đồng thời xuống sâu hơn mức 100,0 điểm theo dự báo. Tiếp theo, giá nhà bình quân tại Mỹ trong tháng 4 tăng khoảng 1,6% m/m; bằng với mức tăng của tháng trước đó và lớn hơn một chút so với mức tăng 1,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, giá nhà tại quốc gia này tăng tới 18,8%.
Hãng Growth from Knowledge khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước Đức giảm xuống mức -27,4 điểm trong tháng 6 từ mức -26,2 điểm của tháng 5, gần khớp với mức -27,5 điểm theo dự báo. Đây cũng là mức niềm tin tiêu dùng thấp nhất của nước này kể từ khi bắt đầu khảo sát năm 1991.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB