IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,0% năm 2022

07:48 07/07/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.171 VND/USD, tiếp tục tăng mạnh 27 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.380 VND/USD, vẫn tiếp tục tăng 15 đồng so với phiên 05/07. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.920 VND/USD và 24.030 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/07, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 - 0,14 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,88%; 1W 1,35%; 2W 1,70% và 1M 2,08%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,03 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 1,64%; 1W 1,77%; 2W 1,88%, 1M 2,02%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ ở các kỳ hạn 3Y và 15Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 2,35%; 5Y 2,39%; 7Y 3,0%; 10Y 3,24%; 15Y 3,46%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu cũng không có đáo hạn. NHNN chào tín phiếu NHNN kỳ hạn 07 ngày và 14 ngày. Có 4.500 tỷ đồng trúng thầu với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 0,65% và 18.000 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9%; có 7.015 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 15.485 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 1.708,33 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 145.324,9 tỷ VND.

Thị trường trái phiếu: Ngày 06/07, KBNN huy động thành công 1.525/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 34%), toàn bộ ở kỳ hạn 10 năm, kỳ hạn 15 năm và 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,51%/năm (+0,03%).

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, tiếp tục một phiên với nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 31,68 điểm (-2,68%) xuống 1.149,61 điểm; HNX-Index giảm 6,02 điểm (-2,17%) còn 271,92 điểm; UPCoM-Index mất 0,97 điểm (-1,11%) xuống 86,22 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt 14,800 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng mạnh 767 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Trong báo cáo sau cuộc tham vấn thường niên gần đây giữa Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Chính phủ Việt Nam, IMF dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,0% năm 2022 và 7,2% năm 2023 trong bối cảnh hoạt động bình thường hóa vẫn tiếp tục và Việt Nam thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (PRD). Báo cáo mới công bố của HSBC cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay từ 6,6% lên 6,9%. Sau khi cân nhắc các rủi ro đang gia tăng, đặc biệt từ lĩnh vực năng lượng, HSBC giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7% dự báo trước đó.

Tin quốc tế:

Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 06/2022. Trong văn bản này, Fed cho biết GDP của Mỹ đã lấy lại đà tăng trưởng ở mức vừa phải trong quý II/2022, sau khi ghi nhận kết quả suy giảm ở quý I. Thị trường lao động của Mỹ cũng đang ở trạng thái tích cực dù có một vài dấu hiệu chững lại. Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng PCE y/y ghi nhận tiếp tục tăng trong tháng 5. PCE được dự báo sẽ tăng 5,0% trong năm 2022, sau đó sẽ giảm tốc còn 2,4% vào năm 2023 và 2,0% năm 2024. Chỉ số CPE lõi được dự báo tăng 4,1% trong năm nay, 2,6% năm 2023 và 2,2% năm 2024. Theo đó, hầu hết các thành viên của FOMC đều thống nhất tăng LSCS 75 điểm cơ bản, lên 1,50 – 1,75%. Bên cạnh đó, lựa chọn mức tăng 50 điểm hay 75 điểm trong cuộc họp tiếp theo cũng được đưa ra thảo luận. FOMC khẳng định mạnh mẽ lập trường sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0%. Do sự kiên định về chính sách này, tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động có thể sẽ bị kìm hãm trong tương lai.

Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 55,3% trong tháng 6, chỉ giảm nhẹ từ mức 55,9% của tháng trước đó nhưng cao hơn mức 53,9% dự báo. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức PMI dịch vụ thấp nhất mà nước Mỹ ghi nhận kể từ tháng 07/2020. Tiếp theo, thị trường Mỹ tạo ra 11,25 triệu cơ hội việc làm trong tháng 6, thấp hơn so với mức 11,68 triệu của tháng 5, mặc dù cao hơn mức 11,05 triệu theo kỳ vọng.

Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết doanh số bán lẻ của Eurozone chỉ tăng 0,2% m/m trong tháng 5 sau khi giảm mạnh 1,4% ở tháng 4, thấp hơn mức kỳ vọng tăng 0,4%. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ của khu vực này ghi nhận mức tăng nhẹ 0,2% y/y. Đối với khối EU nói riêng, doanh số bán lẻ trong tháng 5 đi ngang (0,0% m/m) và tăng 0,8% y/y.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm