Tổng quan:
GDP quý II của Việt Nam tăng cao nhất trong 10 năm, lạm phát được cảnh báo có khả năng tăng cao trong nửa cuối năm.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam quý II năm 2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 5,05% của quý đầu năm, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong nửa đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm (tăng 7,70%, đóng góp 48,33%); tiếp đến là khu vực dịch vụ (tăng 6,60%, đóng góp 46,60%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 2,78%, đóng góp 5,07%). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng khá (8,48%) so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,94 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%, thấp hơn mức tăng 11,3% và tương đương mức tăng 9,63% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 2,58 đpt. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng trưởng trở lại ấn tượng so với cùng kỳ các năm 2020 (0,49%) và 2021 (3,92%) với mức tăng 6,6%. Tuy thấp hơn so với các năm 2014-2019 nhưng triển vọng phục hồi của ngành dịch vụ là khá tích cực trong những tháng tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cảnh bảo, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với những thách thức trong nửa cuối năm 2022, bao gồm áp lực lạm phát, bất ổn địa chính trị toàn cầu và những tác động kéo dài của đại dịch. Đại dịch Covid-19 đã được kiềm chế ở Việt Nam, nhưng diễn biến trên thế giới vẫn còn phức tạp với khả năng xuất hiện các biến thể virus mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam. Những bất ổn từ chiến sự Nga – Ukraine cũng khiến triển vọng kinh tế toàn thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng, trở nên bấp bênh.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6 tăng 3,37% so với năm 2021, bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Có ý kiến băn khoăn con số CPI có vẻ thấp khi giá cả nhiều loại hàng hóa gần đây tăng không dưới hai chữ số. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê khẳng định phương pháp tính CPI của Việt Nam là theo chuẩn quốc tế, hàng năm đều được rà soát bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF. CPI của Việt Nam được tính toán dựa trên việc quan sát biến động giá của 750 mặt hàng đại diện, với hơn 4.000 điểm lấy giá tại 63 tỉnh thành. Lý do số tương đối tăng không cao chủ yếu do sự khác biệt về quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI giữa các nước. Ví dụ, xăng dầu tăng giá ảnh hưởng rất lớn với lạm phát của các nước phát triển bởi chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa (8-10% tại Mỹ, còn châu Âu trên dưới 7%). Trong khi đó, tại Việt Nam, mặt hàng này chỉ chiếm gần 3,6%. Ngoài ra, CPI thế giới tăng cao một phần còn do giá lương thực, do căng thẳng Nga - Ukraine. Nhóm lương thực chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, nhưng các mặt hàng được xem xét đều có mức tăng thấp, hoặc giảm, như giá gạo hay thịt lợn. Tính chung 6 tháng, nhóm lương thực trong rổ hàng hóa tính CPI giảm 0,4% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, các chuyên gia đều chia sẻ ý kiến cho rằng lạm phát trong giai đoạn hiện tại là không lường được và kịch bản ở mức dưới 4% trong năm nay khá khó khăn. Trong nửa cuối năm, tác động của lạm phát được đánh giá sẽ còn phức tạp hơn khi các yếu tố chi phối vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Hiệu ứng giá xăng, dầu cao được dự báo có khả năng ảnh hưởng tới những số liệu ở mức độ vĩ mô. Với sản xuất, ảnh hưởng của chi phí giá nguyên vật liệu tăng thường có độ trễ do chu kỳ sản xuất và quy mô hàng tồn kho. Theo đó, điểm rơi của các ảnh hưởng có thể trong cuối năm nay. Giá lương thực, yếu tố kìm hãm đà tăng trong rổ tính toán CPI trong 6 tháng đầu năm, đang có xu hướng tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng tăng. Lo ngại về rủi ro lạm phát ở Việt Nam gần đây cũng được nhiều tổ chức quốc tế đề cập. IMF dự báo chỉ số này đạt 3,9% cuối năm nay, còn Standard Chartered Bank đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào 2023.
Tóm lược thị trường trong nước từ 27/06 - 01/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 27/06 - 01/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm ở 2 phiên đầu tuần và tăng trở lại cuối tuần. Chôt tuần 01/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.112 VND/USD, tăng 07 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.250 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động tăng – giảm đan xen qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 01/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.306 VND/USD, tăng 54 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục ít thay đổi trong tuần qua, chốt phiên 01/07 giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.910 VND/USD và 23.940 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 27/06 - 01/07, lãi suất VND LNH tiếp tục tăng ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm nhẹ ở các kỳ hạn 2W và 1M qua các phiên. Chốt ngày 01/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,84% (+0,20 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,40% (+0,16 đpt); 2W 1,68 (-0,03 đpt); 1M 2,10% (-0,06 đpt).
Lãi suất USD LNH tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt tuần 01/07, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 1,65% (+0,01 đpt); 1W 1,77% (+0,03 đpt); 2W 1,86% (+0,03 đpt) và 1M 1,98% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 27/06 - 01/07, NHNN giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 5.000 tỷ đồng/phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 1.169,63 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 823,86 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở hai kỳ hạn 7 ngày 14. Có 107.639,7 tỷ đồng trúng thầu, trong đó 72.614,9 tỷ đồng với kỳ hạn 7, ngày lãi suất 0,65%, số còn lại ở kỳ hạn 14 ngày lãi suất 0,9%.
Như vậy, NHNN hút ròng 37.703,43 tỷ VND từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.699,27 tỷ VND, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành là 107.639,9 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 27/06, NHCSXH huy động thành công 800/3.500 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 23%). Trong đó, kỳ hạn 3 năm huy động thành công 600/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm huy động được 200/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 3 năm giữ nguyên tại 2,4%/năm; kỳ hạn 5 năm tại 2,7%/năm (+0,31%). Ngày 29/06, KBNN huy động thành công 3.060/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 68%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.560/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,48%/năm (+0,02%); kỳ hạn 15 năm tại 2,78%/năm (+0,02%).
Trong tuần vừa qua từ 27/06 - 01/07 có 2.700 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần này từ 04/07 - 08/07 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 04/07, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.500 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 06/07, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.307 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 8.971 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 01/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,83% (+0,05 đpt); 2 năm 2,11% (+0,04 đpt); 3 năm 2,28% (+0,1 đpt); 5 năm 2,4% (-0,001 đpt); 7 năm 3% (-0,01 đpt); 10 năm 3,24% (-0,05 đpt); 15 năm 3,46% (-0,03 đpt); 30 năm 3,59% (-0,001 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 27/06 - 01/07, thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại sắc xanh nhờ sự bật tăng của các chỉ số 2 phiên đầu tuần. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 01/07, VN-Index đứng ở mức 1.198,90 điểm, tương ứng tăng 13,42 điểm (+1,13%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,95 điểm (+1,07%) lên 278,88 điểm; UPCom-Index nhích nhẹ 1,08 điểm (+1,24%) với mức 88,18 điểm.
Thanh khoản thị trường chưa cải thiện với giá trị giao dịch trung bình 13.575 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 245 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, GDP của nước này chính thức giảm 1,6% q/y trong quý I/2022, mạnh hơn một chút so với mức giảm 1,5% theo thống kê sơ bộ và theo dự báo của các chuyên gia. Đây cũng là quý đầu tiên GDP của Mỹ giảm trở lại kể từ quý II/2020. Về lạm phát, chỉ số PCE lõi nước Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 6, tương đương mức tăng của tháng trước đó và thấp hơn một chút so với mức tăng 0,4% theo dự báo. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2021, PCE lõi Mỹ tăng 4,7% y/y, hạ nhiệt một chút so với mức tăng 4,9% ghi nhận ở tháng 5. Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại quốc gia này đạt 98,7 điểm trong tháng 6, giảm từ 103,2 điểm của tháng trước đó đồng thời xuống sâu hơn mức 100,0 điểm theo dự báo. Tiếp theo, ở lĩnh vực lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 25/06 ở mức 231 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 233 nghìn đơn của tuần trước đó, song cao hơn một chút so với mức 228 nghìn đơn theo kỳ vọng. Trong tháng 5, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ cùng tăng 0,7% m/m sau khi tăng lần lượt 0,4% và 0,5% ở tháng trước đó, lớn hơn mức tăng 0,4% và 0,1% theo dự báo.
Eurozone đón một số chỉ báo kinh tế tiêu cực. Đầu tiên, CPI toàn phần của Eurozone tăng 8,6% y/y trong tháng 6, mạnh hơn mức tăng 8,1% của tháng 5 và đồng thời mạnh hơn mức tăng 8,5% theo dự báo. CPI lõi của khu vực này chỉ tăng 3,7% y/y trong tháng vừa qua, thấp hơn mức 3,8% của tháng 5 và thấp hơn mức tăng 3,9% theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone ở mức 6,6% trong tháng 5, giảm xuống từ 6,7% của tháng 4 và trái với dự báo tăng lên thành 6,8%. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Eurozone chính thức đạt 52,1 điểm trong tháng 6, điều chỉnh nhẹ so với mức 52,0 điểm theo kết quả khảo sát sơ bộ. Tại nước Đức, doanh số bán lẻ của quốc gia này tăng 0,6% m/m trong tháng 5 sau khi giảm 5,4% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 1,1% theo kỳ vọng của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ tại Đức trong tháng 5 giảm 3,6% y/y.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB