Tổng quan:
Sáng 06/07, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, giá xăng dầu được kỳ vọng sẽ giảm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính trước UBTVQH, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã điều chỉnh 17 lần. Tính đến ngày 06/07, giá xăng trong nước đang ở mức: xăng E5 RON 92 không quá 30.891 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.763 đồng/lít; dầu diesel không quá 29.615 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.353 đồng/lít và dầu mazut không quá 19.722 đồng/kg. Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng và tạo áp lực lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Sau khi được UBTVQH thông qua, kể từ ngày 11/07, mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ được điều chỉnh như sau: Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế BVMT như Nghị quyết này thì 1 tháng sẽ giảm khoảng 7.000 tỷ đồng thu NSNN. Cùng với 2 lần giảm thuế BVMT trước đó, tổng thu NSNN sẽ giảm khoảng 32.500 tỷ đồng trong năm 2022. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ước tính, tác động của giải pháp giảm thuế BVMT sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%; chi phí của doanh nghiệp vận tải sẽ giảm tương đương khoảng 5%, từ đó làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá bán hàng hóa, góp phần kiềm chế lạm phát.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ trình lên Quốc hội giảm 3 loại thuế khác đang áp dụng lên xăng dầu là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã. Đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính cho biết, hiện đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022). Trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp còn mặt hàng dầu giữ nguyên mức thuế suất MFN là 7% do đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế. Như vậy, sớm nhất cũng phải từ thời điểm Chính phủ phê duyệt Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thì thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng mới có thể được giảm, dự kiến phải từ tháng 9/2022. Với 2 loại thuế còn lại là thuế TTĐB và thuế GTGT, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm 2 loại thuế này. Tuy nhiên, theo quy định, sau khi Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ phải trình lên Quốc hội phương án giảm thuế với mặt hàng xăng dầu để Quốc hội quyết định, sớm nhất là vào kỳ họp Quốc hội gần nhất cuối năm 2022. Như vậy, còn thời gian khá dài để giảm các loại thuế đang áp dụng với mặt hàng xăng dầu.
Với việc giảm thuế BVMT từ 11/07 và xu hướng giảm giá của dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới từ đầu tháng 7, tại kỳ điều hành giá xăng dầu hôm nay (ngày 11/07), thị trường đều nhận định, giá xăng có thể giảm gần 2.000 đồng/lít. Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, để giảm giá xăng dầu, về ngắn hạn có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, tuy nhiên đây là giải pháp tình thế vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới. Trong khi đó, trên thế giới, đang có những ý kiến trái chiều về xu hướng giá xăng dầu. Trong khi Ngân hàng Citibank nhận định giá dầu có thể giảm xuống mức dưới 70 USD/thùng trong nửa cuối 2022 do lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới khi lạm phát tăng cao, các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ… thì một số chuyên gia vẫn nhận định giá dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng khi lo ngại về nguồn cung tăng lên từ những bất ổn địa chính trị thế giới, OPEC+ chưa tăng mạnh sản lượng…. Vì vậy, ý kiến đề xuất ở đây là Bộ Tài chính và Chính phủ nên tiếp tục xây dựng cơ chế điều chính giá xăng dầu tăng – giảm linh hoạt hơn theo diễn biến giá xăng dầu và diễn biến thị trường thế giới.
Tóm lược thị trường trong nước từ 04/07 - 08/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 04/07 - 08/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt tuần 08/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.177 VND/USD, tăng tới 65 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD trong cả tuần.
Tỷ giá LNH biến động theo xu hướng tăng qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 08/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.355 VND/USD, tăng 49 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng trong tuần qua, chốt phiên 08/07 tăng 140 đồng ở chiều mua vào và và 130 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.050 VND/USD và 24.070 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 04/07 - 08/07, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm qua các phiên. Chốt ngày 08/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,80% (-0,04 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,30% (-0,10 đpt); 2W 1,62 (-0,06 đpt); 1M 1,98% (-0,12 đpt).
Lãi suất USD LNH tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt tuần 08/07, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 1,68% (+0,03 đpt); 1W 1,80% (+0,03 đpt); 2W 1,91% (+0,05 đpt) và 1M 2,03% (+0,05 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 04/07 - 08/07, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố ở mức 5.000 tỷ đồng/phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 793,28 tỷ đồng trúng, trong tuần có 529,64 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở 03 kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và 28 ngày. Có 139.749,5 tỷ đồng trúng thầu, trong đó kỳ hạn 7 với ngày lãi suất 0,65%, kỳ hạn 14 ngày lãi suất 0,9% và kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 1,5%. Có 72.614,9 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.
Như vậy, NHNN hút ròng 66.830,96 tỷ VND từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.962,91 tỷ VND, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành là 174.774,3 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 04/07, NHCSXH gọi thầu 3.500 tỷ đồng TPCPBL tại các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCPBL (tỷ lệ trúng thầu 16%). Ngày 06/07, KBNN huy động thành công 1.525/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 34%), toàn bộ ở kỳ hạn 10 năm, kỳ hạn 15 năm và 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,51%/năm (+0,03%).
Trong tuần vừa qua từ 04/07 - 08/07 và tuần này từ 11/07 - 15/07 đều không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 11/07, NHCSXH dự kiến gọi thầu 2.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 13/07, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.307 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh từ mức 8.971 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 08/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,85% (+0,02 đpt); 2 năm 2,26% (+0,15 đpt); 3 năm 2,35% (+0,07 đpt); 5 năm 2,39% (-0,01đpt); 7 năm 3% (không thay đổi); 10 năm 3,26% (+0,01 đpt); 15 năm 3,47% (+0,01 đpt); 30 năm 3,59% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 04/07 - 08/07, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tuần giao dịch thiếu tích cực với phần lớn nhóm ngành đều chịu áp lực suy giảm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 08/07, VN-Index đứng ở mức 1.171,31 điểm, tương ứng giảm 27,59 điểm (-2,30%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,08 điểm (-0,39%) còn 277,80 điểm; UPCom-Index cũng sụt 1,22 điểm (-1,38%) xuống 86,96 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình khoảng 12.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.734 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 6, đồng thời nước Mỹ cũng ghi nhận nhiều thông tin tích cực ở thị trường lao động. Cụ thể, trong biên bản cuộc họp của tháng 6, Fed dự báo PCE sẽ tăng 5,0% trong năm 2022, sau đó sẽ giảm tốc còn 2,4% vào năm 2023 và 2,0% năm 2024. Chỉ số CPE lõi được dự báo tăng 4,1% trong năm nay, 2,6% năm 2023 và 2,2% năm 2024. Do đó, FOMC tăng LSCS 75 điểm cơ bản, lên 1,50 – 1,75% và thảo luận lựa chọn tăng 50 điểm hay 75 điểm trong cuộc họp tiếp theo ngày 26-27/07. FOMC khẳng định mạnh mẽ lập trường sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0% và mức tăng trưởng kinh tế cùng thị trường lao động có thể sẽ bị kìm hãm trong tương lai. Liên quan đến thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 02/07 ở mức 235 nghìn đơn, tăng nhẹ từ mức 231 nghìn đơn của tuần trước đó và chỉ cao hơn một chút so với dự báo ở mức 230 nghìn đơn. Tiếp theo, quốc gia này tạo ra 11,25 triệu cơ hội việc làm trong tháng 5, thấp hơn so với mức 11,68 triệu của tháng 4, nhưng cao hơn mức 11,05 triệu theo kỳ vọng. Mức lương bình quân theo giờ của người dân Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 6 vừa qua, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 5 và khớp với dự báo. Cũng trong tháng 6, nước Mỹ tạo ra 372 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, gần bằng thành quả 384 nghìn của tháng 5 và cao hơn nhiều so với kỳ vọng ở 260 nghìn. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ trong tháng 6 đi ngang ở 3,6%; không thay đổi so với tháng 5 và khớp với dự báo của thị trường.
Thủ tướng nước Anh thông báo từ chức, bên cạnh đó nước này cũng đón nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong buổi họp báo ngày 07/07, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nguyện ý của Đảng bảo thủ là cần có một nhà lãnh đạo mới. Quá trình lựa chọn lãnh đạo mới nên diễn ra ngay lập tức và thời điểm bầu chọn sẽ bắt đầu từ tuần này. Các hãng truyền thông Anh nhận định Thủ tướng Anh đang chịu rất nhiều áp lực khi quốc gia này có khả năng bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế, liên quan đến tình trạng lạm phát và khủng hoảng năng lượng. Được biết, ngoại trưởng Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đang là các ứng viên tiềm năng để kế nhiệm ông Johnson. Cũng trong tuần qua, Thống đốc NHTW Anh BOE Andrew Bailey cảnh báo nền kinh tế thế giới nói chung và của nước Anh nói riêng đang “xấu đi về mặt vật chất”. Với việc giá thành đang cao, tăng trưởng chậm đi và các điều kiện tài chính bị thắt chặt, các hộ gia đình sẽ đối mặt với căng thẳng nhiều hơn trong những tháng tới. Liên quan tới chỉ báo kinh tế Anh, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này chính thức đạt 54,3 điểm trong tháng 6, điều chỉnh cao hơn so với mức 53,4 điểm theo khảo sát sơ bộ. Tiếp theo, PMI lĩnh vực xây dựng chỉ đạt 52,6 điểm trong tháng 6, giảm từ 56,4 điểm của tháng 5 và xuống thấp hơn mức 54,9 điểm theo dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB