Lạm phát tại Anh tăng cao kỷ lục trong vòng 40 năm

08:03 18/08/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 17/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.192 VND/USD, tăng mạnh 19 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.405 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên 16/08. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào trong khi đi ngang ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.930 VND/USD và 23.980 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 17/08, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,07 – 0,10 đpt ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi giảm 0,02 - 0,07 đpt ở các kỳ hạn 1W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,18%; 1W 2,60%; 2W 3,0% và 1M 3,53%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 -  0,03 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 2,50%; 1W 2,66%; 2W 2,76%, 1M 2,89%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng trở lại ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,98%; 5Y 2,98%; 7Y 3,27%; 10Y 3,51%; 15Y 3,61%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 425,88 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 3,5%; có 999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày; có 18.630 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,6% và 17.400 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 14 ngày lãi suất 3,0%, không có đáo hạn phiên hôm qua. Như vậy, NHNN hút ròng 36.604,11 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.592,15 tỷ VND, tín phiếu ở mức 130.054,7 tỷ VND.

Thị trường trái phiếu: Ngày 17/08, KBNN huy động thành công 5.045/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 78%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.545/3.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,75%/năm (+0,03%) và 3,05%/năm (+0,05%).

Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, thị trường gặp phải áp lực bán tương đối mạnh đến từ nhiều nhóm cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 0,59 điểm (+0,05%) lên mức 1.275,28 điểm; HNX-Index giảm 0,43 điểm (-0,14%) còn 302,59 điểm; UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,25%) đạt 93,07 điểm. Thanh khoản thị trường có cải thiện với giá trị giao dịch trên 20.200 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 35 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2021, nợ Chính phủ lên đến gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 160 nghìn tỷ so với thời điểm cuối tháng 6/2021. Trong đó, vay nước ngoài khoảng 1,075 triệu tỷ đồng (giảm khoảng 33 nghìn tỷ so với cuối tháng 6/2021); trong khi đó, vay trong nước tăng lên hơn 2,2 triệu tỷ đồng (tăng trên 190 nghìn tỷ đồng), chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ. Tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 370 nghìn tỷ đồng, gồm 262 nghìn tỷ để trả nợ gốc và hơn 107 nghìn tỷ để trả lãi và phí. Dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ nước ngoài khoảng 168 nghìn tỷ đồng; nợ trong nước; tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 89 nghìn tỷ đồng, gồm 74 nghìn tỷ trả nợ gốc và hơn 14 nghìn tỷ trả lãi và phí.

Tin quốc tế:

Biên bản phiên họp chính sách tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed vừa được công bố sáng nay theo giờ Việt Nam cho thấy việc tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo vẫn là phù hợp đến khi lạm phát quay lại mức mục tiêu 2%. Theo các quan chức Fed, các chỉ số về tăng trưởng tiêu dùng và sản xuất gần đây đã chậm lại, tuy nhiên số liệu việc làm vẫn tích cực và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Lạm phát vẫn cao, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu do đại dịch, do giá lương thực và năng lượng cao và áp lực giá mạnh. Chiến sự tại Nga – Ukraine cũng gây áp lực lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì vậy, để đạt toàn dụng nhân công và lạm phát mục tiêu 2%, Fed quyết định nâng LSCS lên mức từ 2,25 – 2,5% và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong các phiên họp tiếp theo. Đồng thời, Fed sẽ tiếp tục giảm nắm giữ tài sản như trong Kế hoạch về Bảng cân đối tài sản của Fed công bố hồi tháng 5. Nội dung biên bản cho thấy Fed giữ vững quyết tâm chống lạm phát, nhưng phát tín hiệu có thể điều chỉnh tiến độ tăng lãi suất tuỳ theo điều kiện thị trường.

Doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 0,9% ở tháng 6, trái với dự báo giảm nhẹ 0,1%. Bên cạnh đó doanh số bán lẻ lõi đi ngang trong tháng 7 (0,0% m/m) sau khi tăng 0,8% ở tháng 6, gần khớp với dự báo tăng nhẹ 0,1%. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng lên, bất chấp áp lực lạm phát và lãi suất đều đang ở mức cao. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ toàn phần đã tăng tới 10,3%.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của Anh tăng 10,1% y/y trong tháng 7, cao hơn mức 9,4% của tháng 6 và đồng thời vượt qua mức 9,8% theo dự báo. Như vậy, mức tăng của tháng 7 lập kỷ lục mới trong vòng 40 năm trở lại đây của nước này. Chỉ số CPI lõi trong tháng vừa qua cũng tăng 6,2%; cao hơn mức 5,8% của tháng 6 và cả mức 5,9% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm