Tổng quan
Ngày 08/06/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 689/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Với mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Đề án đã chỉ rõ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu đến năm 2025: (i) giảm số lượng TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững; (ii) đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan. Đề án sẽ triển khai thí điểm áp dụng theo phương pháp nâng cao tại các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Các yêu cầu cụ thể trong Đề án được quy định như sau:
(I) Về đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu: đối với các TCTD đang hoạt động (không bao gồm NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt): thứ nhất, với các NHTM, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn có vốn điều lệ tối thiếu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng; thứ hai, với các CTTC, vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng; thứ ba, với các công ty cho thuê tài chính, vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).
(II) Các giải pháp cơ cấu lại TCTD: Các TCTD xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối các TCTD bao gồm: tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng...; khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh; triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
(III) Xử lý nợ xấu: Các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu quản lý tốt nợ xấu gồm: kiểm soát việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý TSBĐ; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, nhằm bảo đảm thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế thiệt hại cho các TCTD.
Tiếp đó, ngày 08/08/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nhằm triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg.
Tóm lược thị trường trong nước từ 08/08 - 12/08
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 08/08 - 12/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm. Chốt tuần 12/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.153 VND/USD, giảm mạnh 29 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD trong cả tuần.
Tỷ giá LNH chỉ tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 12/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.396 VND/USD, tăng nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua, mặc dù phiên cuối tuần đã tăng trở lại. Chốt phiên 12/08, tỷ giá tự do giảm 200 đồng ở chiều mua vào và 150 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.950 VND/USD và 24.050 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 08/08 - 12/08, sau khi nối tiếp đà tăng của tuần trước đó ở phiên đầu tuần, lãi suất VND LNH giảm mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn trong các phiên còn lại. Chốt ngày 12/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,67% (-1,55 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,87% (-1,45 đpt); 2W 3,12% (-1,20 đpt); 1M 3,68% (-0,70%).
Lãi suất USD LNH tiếp tục biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt tuần 12/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 2,50% (không thay đổi); 1W 2,70% (+0,01 đpt); 2W 2,80% (+0,01 đpt) và 1M 2,91% (-0,03 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 08/08 - 12/08, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 7.703,35 tỷ đồng trúng, lãi suất dao động từ 3,8% đến 4,4%. Trong tuần có 10.999,95 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chỉ chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 07 ngày tại phiên cuối tuần qua. Có 9.700 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 2,6%, có 56.599,5 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.
Như vậy, NHNN bơm ròng 43.602,9 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 7.703,35 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành là 24.125 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 08/08, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Kết quả, phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 10/08, KBNN huy động thành công 5.000/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 92%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 2.500 tỷ đồng/kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,72%/năm (+0,05%) và 3,0%/năm (+0,06%). Kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại.
Trong tuần vừa qua từ 08/08 - 12/08 và tuần này từ 15/08 – 19/08 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 15/08, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 17/08, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 7 năm đến 15 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.857 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 6.320 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 12/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2,56% (-0,02 đpt); 2 năm 2,94% (-0,09 đpt); 3 năm 2,99% (-0,07 đpt); 5 năm 2,99% (-0,08đpt); 7 năm 3,22% (-0,06 đpt); 10 năm 3,5% (-0,09 đpt); 15 năm 3,62% (-0,1 đpt); 30 năm 4,02% (-0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 08/08 - 12/08, thị trường chứng khoán tăng – giảm đan xen, các chỉ số chốt tuần trong sắc xanh nhưng vẫn không thể bứt xa khỏi mốc tham chiếu. Chốt tuần 12/08, VN-Index đứng ở mức 1.262,33 điểm, tăng 9,59 điểm (+0,77%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 3,52 điểm (+1,17%) đạt 303,42 điểm; UPCom-Index tăng 1,52 điểm (+1,66%) lên 92,84 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 17.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 682 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón nhiều thông tin quan trọng, đặc biệt các chỉ số giá đều cho thấy sự hạ nhiệt. Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của nước này đi ngang trong tháng vừa qua (0,0% m/m) sau khi tăng mạnh 1,3% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,2%. Chỉ số CPI lõi trong tháng 7 chỉ tăng nhẹ 0,3% m/m sau khi tăng 0,7% ở tháng 6, yếu hơn mức tăng 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, CPI toàn phần trong tháng 7 chỉ tăng 8,5% y/y; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 9,1% ở tháng 6. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI của Mỹ giảm 0,5% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 1,1% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,2%. Bên cạnh đó, PPI lõi trong tháng vừa qua chỉ tăng nhẹ 0,2% m/m; thấp hơn mức tăng của tháng 6 cũng như là mức dự đoán ở 0,4% m/m. So với cùng kỳ năm 2021, PPI toàn phần và PPI lõi lần lượt tăng 9,8% và 5,8% y/y. Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 55,1 điểm trong tháng 8, tăng so với 51,5 điểm của tháng 7 và vượt qua mức 52,5 điểm theo kỳ vọng. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 06/08 ở mức 262 nghìn đơn, tăng nhẹ so với 260 nghìn đơn của tuần trước đó, và thấp hơn so với mức 264 nghìn đơn theo dự báo. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp số đơn xin trợ cấp tăng lên và là tuần thứ 4 liên tiếp vượt trên mức 250 nghìn đơn.
Nước Anh ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, GDP của Anh giảm 0,1% q/q trong quý II theo thống kê sơ bộ, sau khi tăng 0,8% trong quý I, gần khớp với mức giảm 0,2% theo dự báo. Trong tháng 7, GDP của quốc gia này giảm 0,6% m/m sau khi tăng 0,4% ở tháng trước đó, tuy nhiên không mạnh như mức giảm 1,2% theo dự báo. Cũng trong tháng 7, sản lượng công nghiệp của nước Anh giảm 0,9% m/m, trái với đà tăng 1,3% của tháng 6. So với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 03/2020, sản lượng công nghiệp của Anh tháng 7 chỉ còn thấp hơn 1,0%. Tiếp theo, sản lượng xây dựng cũng giảm 1,4% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 1,8% ở tháng 6, nhẹ hơn mức giảm 2,0% theo dự báo. Cuối cùng, cán cân thương mại của Anh trong tháng vừa qua thâm hụt 22,8 tỷ GBP, sâu hơn mức thâm hụt 20,7 tỷ của tháng trước đó, đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 22,3 tỷ theo dự báo. Đây là tháng có mức thâm hụt thương mại lớn thứ 3 trong lịch sử nước Anh.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB