World Bank tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 7,2%

08:00 28/09/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 27/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.346 VND/USD, tăng phiên thứ 4 liên tiếp 12 đồng so với phiên đầu tuần. NHNN tiếp tục không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay cũng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.700 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.744 VND/USD, tăng mạnh 22 đồng so với phiên 26/09. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.200 VND/USD và 24.290 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 27/09, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 – 0,06 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 5,17%; 1W 5,45%; 2W 5,60% và 1M 5,83%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 3,15%; 1W 3,30%; 2W 3,43%, 1M 3,54%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 4,35%; 5Y 4,35%; 7Y 4,55%; 10Y 4,62%; 15Y 4,73%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 5,7%; có 999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, có 6.999,9 tỷ đồng trúng thầu, có 14.600 tỷ đồng đáo hạn hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 7.600 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 4.999,95 tỷ VND, tín phiếu giảm xuống mức 52.000 tỷ VND.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, 3 chỉ số giao dịch xung quanh mốc tham chiếu, thị trường diễn biến xấu khi các cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,81 điểm (-0,67%) còn 1.166,54 điểm; HNX-Index sụt 0,16 điểm (-0,06%) về mức 255,52 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,03 điểm (+0,03%) lên 86,71 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh với giá trị giao dịch trên 12.000 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 403 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10 năm 2022 mới được công bố, Ngân hàng Thế giới WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực này xuống mức 3,2%, Mức dự báo tăng trưởng 3,2% này giảm so với mức 5% được WB đưa ra vào tháng 4 vừa qua và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2021. WB tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 7,2% (con số này được dự báo hồi tháng 4 là 5,3%) và 6,7% vào năm 2023.      

Tin quốc tế:

OECD dự báo kinh tế toàn cầu năm 2023 giảm tốc đáng kể. Cụ thể, tổ chức này dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,0% trong năm 2022 (không thay đổi so với dự báo hồi tháng 06/2022), và tiếp tục giảm tốc còn 2,2% năm 2023 (thấp hơn so với mức 2,8% của dự báo trước). Theo Tổ chức này, Eurozone là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine. Dữ liệu dự báo cũng cho thấy triển vọng tăng trưởng của nhóm G20 đều bị giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh. GDP của Mỹ được dự báo chỉ tăng 1,5% trong năm 2022 và giảm tốc còn 0,5% năm 2023 (dự báo tháng 6 lần lượt là 2,5% và 1,2%). Bên cạnh đó, GDP Trung Quốc cũng chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 4,7% vào năm sau (giảm từ 4,4% và 4,9% ở dự báo tháng 6)

Nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế tương đối tích cực. Đầu tiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 8, bằng với mức tăng của tháng 7 và gần khớp so với dự báo tăng 0,3%. Mặc dù vậy đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần giảm 0,2% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà giảm 0,1% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng 0,1%. Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại thị trường Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 108,0 điểm trong tháng 9, tăng lên từ 103,6 điểm của tháng 8 và vượt qua mức 104,0 điểm theo kỳ vọng. Cuối cùng, doanh số bán nhà mới tại Mỹ đạt 685 nghìn căn trong tháng 8, cao hơn mức 532 ghìn căn của tháng 7, đồng thời cao hơn mức 500 nghìn căn theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm