Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 19/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.295 VND/USD, tăng tiếp 12 đồng so với phiên cuối tuần trước. NHNN tiếp tục không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.700 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.675 VND/USD, tăng 06 đồng so với phiên 16/09. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 80 đồng ở chiều mua vào và 130 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.060 VND/USD và 24.160 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 19/09, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn ON, đi ngang ở kỳ hạn 2W trong khi giảm 0,02 – 0,04 đpt ở các kỳ hạn 1W và 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 4,30%; 1W 4,50%; 2W 4,64% và 1M 5,0%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,04 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 ở kỳ hạn ON; giao dịch tại: ON 2,47%; 1W 2,68%; 2W 2,80%, 1M 2,93%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3Y và 7Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 3,15%; 5Y 3,24%; 7Y 3,66%; 10Y 3,75%; 15Y 3,85%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,65%; có 999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày, có 14.200 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất cũng tăng lên 4,5%; có 500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 13.700 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 19.938,32 tỷ VND, tín phiếu tăng lên mức 67.800,2 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 19/09, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.500 tỷ đồng TPCPBL.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, áp lực bán dâng cao, đẩy gần như toàn bộ cổ phiếu lao dốc. Chốt phiên, VN-Index giảm mạnh 28,60 điểm (-2,32%) xuống mức 1.205,43 điểm; HNX-Index mất 8,63 điểm (-3,16%) còn 264,25 điểm; UPCoM-Index lùi 1,12 điểm (-1,25%) về 88,34 điểm. Thanh khoản thị trường có cải thiện với giá trị giao dịch gần 19.100 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 140 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới. Quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành nhấn mạnh: Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tin quốc tế:
Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Mỹ ngày hôm qua có lúc chạm mức 3,52%; là mức cao nhất kể từ tháng 04/2011 cho tới nay. Thị trường lo ngại việc Fed có thể tiếp tục nâng LSCS lên cao hơn và trong thời gian dài hơn dự kiến sẽ tác động mạnh tới kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu. Trong những ngày gần đây, Bloomberg cũng dự báo Fed có thể tiếp tục đẩy LSCS lên mức 4% trong năm 2022 sau đó có thể tiếp tục tăng nhẹ ở đầu năm 2023. Các chuyên gia cũng cảnh báo lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm đang là 3,96%; đường cong LS giữa hai kỳ hạn trên đảo ngược tới 44 điểm, là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy một cuộc suy thoái kinh tế.
NHTW Nhật Bản BOJ sẽ xem xét kết thúc chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp vào tháng 9/2022. Chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 được BOJ bắt đầu triển khai từ tháng 3/2020 và được gia hạn định kỳ sáu tháng, đến tháng 9/2022. Các TCTD sẽ được BOJ cung cấp khoản tài chính lãi suất thấp để cho các doanh nghiệp vay không lãi suất và điều kiện đảm bảo. Đến thời điểm cuối tháng 8/2022, quy mô gói hỗ trợ đã đạt 32.000 tỷ JPY. Dự kiến BOJ sẽ tổ chức kỳ họp quyết định chính sách tiền tệ trong hai ngày 21, 22/9 để đưa ra quyết định chính thức về vấn đề này. Ngoài ra, tại cuộc họp này, khả năng BOJ sẽ tiếp tục chủ trương duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB