Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.334 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên cuối tuần trước. NHNN tiếp tục không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay cũng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.700 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.722 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên 23/09. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 70 đồng ở chiều mua vào và 140 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.170 VND/USD và 24.270 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/09, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,08 – 0,17 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 5,11%; 1W 5,43%; 2W 5,56% và 1M 5,77%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M, tăng 0,02 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W; giao dịch tại: ON 3,14%; 1W 3,29%; 2W 3,41%, 1M 3,54%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 4,07%; 5Y 4,07%; 7Y 4,31%; 10Y 4,41%; 15Y 4,53%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 5,6%; có 999,99 tỷ đồng đáo hạn. Có 14.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 14.200 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 4.999,95 tỷ VND, tín phiếu giảm xuống mức 59.600 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 26/09, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.500 tỷ đồng TPCPBL.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiếp tục có phiên bán tháo mạnh, chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm, nhiều cổ phiếu giảm sâu và giảm sàn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm mạnh 28,93 điểm (-2,40%) còn 1.171,35 điểm; HNX-Index sụt 8,76 điểm (-3,31%) về mức 255,68 điểm; UPCoM-Index mất 1,91 điểm (-2,16%) xuống 86,68 điểm. Thanh khoản thị trường vượt mức trung bình 20 ngày với giá trị giao dịch gần 19.900 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 560 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Đối với chính sách miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ, đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 722.334 tỷ đồng với hơn 1 triệu khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 157.746 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 92.425 tỷ đồng với gần 562 nghìn khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 16.465 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ NSNN đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 10.700 tỷ đối với gần hơn 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 9.820 tỷ đồng.
Tin quốc tế:
Trong phiên điều trần ngày hôm qua trước Ủy ban Kinh tế EU, Chủ tịch NHTW Châu Âu ECB Christine Lagarde cho biết, cơ quan này kỳ vọng Eurozone có thể tăng trưởng 3,1% trong năm 2022, sau đó giảm tốc còn 0,9% năm 2023 và tăng 1,9% trong năm 2024. Về lạm phát, ECB dự báo mức tăng CPI sẽ ở khoảng 8,1% năm 2022; 5,5% cho năm 2023 và giảm tốc mạnh còn 2,3% năm 2024. Chủ tịch ECB đồng thời phát biểu, NHTW này dự kiến tiếp tục tăng LSCS trong một số cuộc họp tới để giảm nhu cầu của thị trường và đề phòng nguy cơ kỳ vọng lạm phát tăng liên tục. ECB sẽ thường xuyên đánh giá CSTT của mình dựa trên thông tin về lạm phát và số liệu kinh tế. Quyết định chính thức của ECB sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và cách ECB tiếp cận vấn đề trong từng cuộc họp.
Tổ chức Ifo khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức chỉ đạt 84,3 điểm trong tháng 9, giảm từ 88,5 điểm của tháng 8 và đồng thời xuống thấp hơn mức 86,9 điểm theo dự báo của các chuyên gia. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận đà suy yếu niềm tin kinh doanh, đồng thời là mức bi quan nhất kể từ tháng 06/2020.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB