Tăng trưởng kinh tế quý III ước đạt 13,67%, GDP 9 tháng cao nhất 11 năm

08:07 30/09/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 29/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.371 VND/USD, tăng mạnh 25 đồng so với phiên trước đó. NHNN tiếp tục không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay được niêm yết không đổi ở mức 23.700 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.840 VND/USD, tăng mạnh 66 đồng so với phiên 28/09. Tỷ giá trên thị trường tự do vẫn đi ngang ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.200 VND/USD và 24.290 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 29/09, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,16 đpt ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,06 – 0,09 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,95%; 1W 5,50%; 2W 5,67% và 1M 5,89%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 3,12%; 1W 3,27%; 2W 3,39%, 1M 3,53%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 4,43%; 5Y 4,42%; 7Y 4,62%; 10Y 4,73%; 15Y 4,81%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 702,54 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 5,7%; có 999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, có 14.999,7 tỷ đồng trúng thầu, có 12.000 tỷ đồng đáo hạn hôm qua. Như vậy, NHNN hút ròng 3.297,7 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 4.702,5 tỷ VND, tín phiếu tăng lên mức 44.998,8 tỷ VND.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sau phiên sáng thị trường cho thấy sắc xanh, bảng điện tử đổi sắc rất nhanh với số mã giảm chiếm ưu thế vượt trội. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 17,55 điểm (-1,53%) còn 1.126,07 điểm; HNX-Index sụt 2,94 điểm (-1,17%) về mức 249,41 điểm; UPCoM-Index mất 0,62 điểm (-0,72%) xuống 85,22 điểm. Thanh khoản thị trường thấp hơn phiên trước đó với giá trị giao dịch trên 12.600 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 175 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý 3/2022 tăng 3,32% so với quý 3/2021. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.       

Tin quốc tế:

GDP của Mỹ chính thức giảm 0,6% q/q trong quý II, không điều chỉnh so với thống kê sơ bộ, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. Sự suy giảm 2 quý liên tiếp cho thấy kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các nhà kinh tế cho rằng thị trường lao động Mỹ đang rất mạnh, do đó chưa thể kết luận kinh tế Mỹ có thực sự đi vào suy thoái hay không. Liên quan đến thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này tuần kết thúc ngày 24/09 ở mức 193 nghìn đơn, giảm khá mạnh từ mức 213 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên 215 nghìn đơn. Đây là số đơn xin trợ cấp thấp nhất kể từ 28/04/2022.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố chỉ số CPI toàn phần của nước này tăng 1,9% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng 8 và thậm chí vượt so với dự báo tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 9 của Đức tăng 7,9% y/y; cao hơn mức tăng 7,5% của tháng 8.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm