Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 01/02 - 05/02/2021

08:00 08/02/2021

Tổng quan:

 

Giá dầu thế giới trong năm 2020 đã lùi rất mạnh, đến trên 20,5% do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Mọi dự báo cho thấy nhu cầu trong năm 2021 vẫn còn khá bấp bênh, khó đoán định.

Giai đoạn đầu năm 2020, giá dầu Brent từng chạm ngưỡng 70 USD/thùng sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dịu bớt, đồng thời tác động của tranh chấp thương mại đối với giá dầu mỏ bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, giá dầu chạm đáy vào tháng 4 khi nhu cầu nhiên liệu giảm vì dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa các ông lớn dầu mỏ Ả Rập Xê Út và Nga. Dầu WTI đã rớt mạnh xuống mức thấp kỷ lục - 40,32 USD/thùng trong 1 phiên, còn dầu Brent giảm xuống 15,98 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 21 năm qua. Trong 2 tháng cuối năm, giá dầu bắt đầu tăng nhờ thông tin vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm tại một số quốc gia. Phiên cuối năm 31/12/2020, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 48,52 USD/thùng.

Tuy nhiên, tin tức về việc biến thể mới được tìm thấy tại nhiều nước, gần đây là ở Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nam Phi… tiếp tục gây sức ép đến các hợp đồng dầu tương lai. Các nhà phân tích tiếp tục đưa ra dự báo khá u ám về nhu cầu nhiên liệu trong năm 2021. Các chuyên gia năng lượng của Markit dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu có thể mất thêm 1 năm hoặc lâu hơn để trở lại mức trước đại dịch, vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Tương tự, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cũng dự báo, nhu cầu dầu năm 2021 chưa thể trở lại mức như trước khi bùng phát dịch Covid-19. Đầu năm nay, OPEC dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lên 95,9 triệu thùng/ngày vào năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4%. Con số trên tương đương mức tăng 5,9 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2020, thấp hơn dự báo trước đó hồi tháng 12/2020 của OPEC là 6,25 triệu thùng/ngày. Báo cáo thị trường dầu hàng tháng của IEA đầu năm cho thấy, nhu cầu nhiên liệu bay sẽ tiếp tục thấp, đạt tối đa 80% (khoảng 3,1 triệu thùng/ngày) so với mức trước đại dịch.Về giá dầu, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức dự báo trung bình 43 USD/thùng trong quý IV/2020. Dự báo giá dầu thô cao hơn trong năm tới phản ánh kỳ vọng của EIA rằng lượng dầu tồn kho sẽ vẫn ở mức cao và sẽ giảm khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng và sản lượng dầu hạn chế của OPEC+. Trong khi đó, Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 45 USD/thùng vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 có thể không diễn ra nhanh như mong đợi.

Các chuyên gia cũng nhận định một số yếu tố tác động đến nhu cầu và giá dầu trên thế giới. Thứ nhất, nhu cầu dầu sẽ tăng trong năm 2021 so với năm 2020 nhưng vẫn thấp đáng kể so với trước đại dịch. Việc chính phủ các nước triển khai các biện pháp phong tỏa và triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 theo từng giai đoạn vẫn sẽ làm hạn chế nhu cầu trong năm 2021, hoặc thậm chí trong thời gian dài hơn. Đặc biệt, ngành hàng không còn bị nhiều sức ép và tiêu thụ nhiên liệu bay năm nay sẽ giảm 2,5 triệu thùng/ngày so với trước dịch. Bên cạnh đó, nhu cầu dầu vận tải đường biển giảm do sản xuất giảm, ngành vận tải sa sút. Thứ hai, đầu tư vào khai thác dầu lao dốc trầm trọng trong năm 2020 khiến hoạt động khoan dầu bị chậm lại trên toàn cầu trong năm nay. Thứ ba, quyết định của Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ và đồng minh OPEC+ về việc tăng/giảm sản lượng dầu sẽ tác động mạnh lên giá dầu. Theo kế hoạch, chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC+ kéo dài cho đến tháng 4/2022, bắt đầu với mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020, sau đó giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 6 triệu thùng/ngày trong 16 tháng còn lại. Tuy nhiên, con số cắt giảm đã được điều chỉnh ở mức 7,2 triệu thùng/ngày cho quý đầu tiên năm 2021, trước những diễn biến mới của thị trường năng lượng, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tóm lược thị trường trong nước từ 01/02 - 05/02

Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 01/02 - 05/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 05/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.154 VND/USD, chỉ giảm nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.799 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục biến động giảm trong tuần qua. Chốt phiên 05/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.099 VND/USD, giảm mạnh 48 đồng so với phiên 29/01.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng dần qua các phiên, tuy nhiên đã chững lại phiên cuối tuần. Chốt tuần 05/02, tỷ giá tự do tăng 80 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.560 – 23.590 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 01/02 - 05/02, lãi suất VND LNH tăng mạnh các phiên đầu tuần, tuy nhiên đà tăng đã chững lại ở phiên cuối tuần. Chốt phiên 05/02, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,0% (+1,67 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,18% (+1,66 đpt); 2W 2,25% (+1,57 đpt); 1M 2,20% (+1,36 đpt).

Trong khi đó, lãi suất USD LNH vẫn biến động tăng nhẹ trong tuần qua. Chốt tuần 05/02, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,16 (+0,02 đpt); 1W 0,21% (+0,03 đpt); 2W 0,28% (+0,05 đpt) và 1M 0,38% (+0,04 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 01/02 - 05/02, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 22.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%; 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày, cũng với lãi suất 2,50%. Có 24.096,7 tỷ đồng trúng thầu, như vậy, NHNN bơm ròng 24.096,7 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Tuần qua, KBNN chỉ huy động được 80/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 1,3%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại, riêng kỳ hạn 20 năm huy động được 80/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 2,89%. Trong tuần qua không có đáo hạn TPCP. Tuần từ 08-12/02, có 500 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 13.053 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 14.484 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 05/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,23% (+0,01 đpt); 2 năm 0,42% (-0,01 đpt); 3 năm 0,73% (-0,02 đpt); 5 năm 1,07% (-0,05đpt); 7 năm 1,35% (-0,04 đpt); 10 năm 2,22% (-0,07 đpt); 15 năm 2,43% (-0,06 đpt); 30 năm 3,08% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 01/02 - 05/02 tương đối tích cực khi các chỉ số tăng mạnh, giá trị giao dịch tuy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức cao. Chốt phiên cuối tuần 05/02, VN-Index tăng mạnh 70,30 điểm (+6,65%) lên mức 1.126,91 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 9,63 điểm (+4,50%) đạt 223,84 điểm; UPCOM-Index tăng 1,81 điểm (+2,51%) lên 73,89 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt hơn 15.000 tỷ đồng/phiên. Mặc dù 2 phiên cuối tuần đã mua ròng trở lại, chốt tuần khối ngoại vẫn bán ròng hơn 75 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.                              

Tin quốc tế

Mỹ thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ của Tổng thống Joe Biden. Ngày 06/02, Hạ viện Mỹ đã ủng hộ gói cứu trợ này với tỷ lệ 219 phiếu thuận và 209 phiếu chống, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Như vậy, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng viện, thể hiện sự lấn át gần như tuyệt đối của Đảng dân chủ nước này. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ cũng bác bỏ đề suất tăng lương tối thiểu lập tức từ 7,25 USD/giờ lên 15 USD/giờ của vị Tổng thống Mỹ. Về gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, kế hoạch sử dụng sẽ bao gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vaccine ngừa Covid-19, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp các gia đình và khoảng 440 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Mỗi người dân Mỹ nhiều khả năng sẽ được nhận trực tiếp 1.400 USD/người theo kế hoạch trên.

Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng trong tuần qua, chủ yêu mang xu hướng tích cực. Đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất của nước này do ISM khảo sát đạt mức 58,7% trong tháng 01/2021, giảm từ mức 60,7% của tháng trước đó và xuống sâu hơn so với mức 60,0% theo dự báo. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 58,7% trong tháng 01/2021, tăng từ mức 57,2% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm xuống còn 56,7%. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ trong tháng 01/2021 tăng 1,1% m/m sau khi tăng 1,3% ở tháng trước đó, vượt so với mức tăng 0,7% theo dự báo. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần kết thúc ngày 29/01 ở mức 779 nghìn đơn, giảm tương đối mạnh từ mức 812 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên 828 nghìn đơn. Thu nhập bình quân tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 01/2021 sau khi tăng 1,0% trong tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. Khu vực phi nông nghiệp Mỹ tạo ra 49 nghìn việc làm trong tháng vừa qua sau khi mất 227 nghìn việc làm trong tháng trước đó, thấp hơn kỳ vọng tăng thêm 85 nghìn việc làm mới. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng đầu năm 2021 giảm xuống còn 6,3%, trái với dự báo đi ngang ở mức 6,7%.

Một số NHTW lớn không thay đổi LSCS trong cuộc họp đầu tháng 02/2021. Đầu tiên, NHTW Úc RBA quyết định giữ LSCS ở mức 0,1%; không thay đổi so với trước, lợi suất TPCP Úc kỳ hạn 3Y cũng được bảo đảm duy trì ở mức 0,1%. Tiếp theo, cơ quan này cam kết sẽ mua thêm 100 tỷ AUD TPCP Úc, ngay sau khi chương trình thu mua hiện tại kết thúc vào giữa tháng 04/2021. Tại nước Anh, NHTW Anh BOE quyết định giữ LSCS ở mức 0,1%; không thay đổi so với trước. Ngoài ra, BOE không thay đổi chương trình nắm giữ TPDN 20 tỷ GBP và TPCP 875 tỷ GBP, theo đó tổng tài sản mà BOE nắm giữ là 895 tỷ GBP. Liên quan đến kinh tế Anh, PMI lĩnh vực sản xuất của nước này chính thức ở mức 54,1 điểm trong tháng 01/2021, giảm xuống từ 57,5 điểm của tháng 12/2020, tuy nhiên chưa sâu như mức 52,9 điểm theo khảo sát sơ bộ. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 39,5 điểm trong tháng 01/2021; giảm xuống từ 49,4 điểm của tháng trước đó, và cao hơn mức 38,8 điểm theo khảo sát sơ bộ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm