Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 28/01/2021

08:00 28/01/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 27/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.144 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.788 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.062 VND/USD, giảm 08 so với phiên 26/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 120 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.450 - 23.500 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 27/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi tăng mạnh 0,04 – 0,16 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,16%; 1W 0,25%; 2W 0,42% và 1M 0,65%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,03 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 1W, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,23%, 1M 0,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3Y và 7Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,69%; 5Y 1,09%; 7Y 1,30%; 10Y 2,20%; 15Y 2,41%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường trái phiếu: Ngày 27/01, KBNN huy động thành công 7.496/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 75%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 1.300/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 3.100/4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động thành công 2.531/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm 565/1.000 tỷ đồng. Lãi suất phát hành các kỳ hạn lần lượt tại 1,07%/năm (-0,15%); 2,17%/năm (+0,02%); 2,38%/năm (không đổi); 3,01%/năm (+0,01%).

Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn bị bán mạnh và lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu, các chỉ số tiếp tục lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm mạnh 38,95 điểm (-3,43%) xuống 1.097,17 điểm; HNX-Index giảm 7,03 điểm (-3,09%) xuống 220,79 điểm; UPCoM-Index giảm 1,96 điểm (-2,56%) xuống 74,46 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao tương tự phiên trước đó với tổng trị giá giao dịch đạt gần 19.400 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 30 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 26/01, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tại thị trường trong nước. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 340 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 361 đồng/lít; giá dầu diesel tăng 395 đồng/lít; dầu hỏa tăng 350 đồng/lít; dầu mazut tăng 350 đồng/kg. Sau khi thực hiện việc chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 16.309 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 17.270 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 13.042 đồng/lít; Dầu hoả không cao hơn 11.908 đồng/lít; Dầu Mazut không cao hơn 12.622 đồng/kg  

Tin quốc tế:

Tại phiên họp chính sách tháng 1/2021 vừa diễn ra, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed cho rằng kinh tế nước này đã yếu trở lại trong những tuần gần đây nhưng vẫn giữ nguyên chính sách và tiếp tục theo dõi các tác động của việc tiêm phòng vaccine Covid-19 lên hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Cụ thể, Fed giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức gần bằng không và chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD một tháng, nhận định Fed sẽ vẫn giữ các biện pháp kích thích kinh tế này cho đến khi hạ được tỷ lệ thất nghiệp và đạt lạm phát mục tiêu 2%. Trong thông báo sau cuộc họp, Fed tuyên bố, tốc độ phục hồi trong hoạt động kinh tế và việc làm đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây, với sự yếu kém tập trung vào các lĩnh vực bị ảnh hưởng xấu nhất bởi đại dịch, tuy nhiên đây chỉ là tạm thời. Fed tin tưởng rằng kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm nay khi vaccine được phân phối rộng rãi hơn và kiểm soát được virus corona chết người này.

Niềm tin tiêu dùng tại Đức giảm sâu trong tháng đầu năm. Cụ thể, khảo sát của hãng Grow from Knowledge GfK cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước Đức ở mức -15,6 điểm trong tháng này, giảm rất mạnh từ mức -7,5 điểm của tháng 12/2020 và xuống sâu hơn nhiều so với dự báo ở mức -7,8 điểm. Đây là mức niềm tin thấp thứ 3 kể từ sau khi nước này bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Điều đáng nói là niềm tin tiêu dùng tại nước Đức đã suy giảm liên tiếp trong vòng 6 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các đợt các ly xã hội của nước này kể từ giữa quý 4/2020, và dự kiến có thể kéo dài cho tới cuối tháng 02/2021.

CPI tại Úc tăng khá mạnh trong quý cuối năm 2020. Văn phòng Thống kê Úc cho biết CPI của nước này tăng 0,9% q/q trong quý 4/2020 sau khi tăng 1,6% ở quý trước đó, cao hơn so với mức tăng 0,7% theo dự báo. Đồ uống có cồn – thuốc lá với mức tăng 9,3% q/q là nhóm mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong quý vừa qua tại Úc. Bên cạnh đó, thực phẩm – đồ uống không cồn cũng tăng 2,3%. CPI toàn phần của Úc ghi nhận ở mức 0,9% y/y trong quý 4, tăng nhẹ so với mức 0,7% của quý 3. Các chuyên gia nhận định áp lực lạm phát này còn đang ở mức tương đối thấp, và nhiều khả năng NHTW Úc RBA sẽ không thay đối LSCS trong cuộc họp đầu năm vào ngày 02/02/2021.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm