Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 13/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.134 VND/USD, giảm 06 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.778 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.068 VND/USD, tăng 03 đồng so với phiên 12/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 50 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.360 - 23.390 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 13/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,16%; 1W 0,22%; 2W 0,29% và 1M 0,43%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,19%; 2W 0,24%, 1M 0,38%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,60%; 5Y 1,08%; 7Y 1,42%; 10Y 2,30%; 15Y 2,52%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 13/01, KBNN huy động thành công toàn bộ 6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu lần lượt tại 2,25%/năm (-0,03%); 2,48%/năm (-0,02%); 2,89%/năm (không đổi) và 3,1%/năm (-0,04%)
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, mặc dù sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vào phiên sáng, áp lực chốt lời xuất hiện ngay từ đầu phiên chiều đẩy hàng loạt cổ phiếu giảm giá trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,23 điểm (-0,52%) xuống 1.186,05 điểm; HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,23%) lên 222,49 điểm; UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%) lên 77,93 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước đó với tổng trị giá giao dịch gần 22.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 330 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt hơn 250 triệu USD trong tháng 12/2020, thặng dư cả năm 2020 đạt 19,95 tỷ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt 27,65 tỷ USD, tăng 9,6% so với tháng 11; nhập khẩu đạt 27,9 tỷ, tăng 13,0%. Lũy kế cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 262,7 tỷ, tăng 3,7%. Tổng kim ngạch XNK cả nước năm 2020 đạt mức kỷ lục 545,35 tỷ USD.
Tin quốc tế:
Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho biết CPI chung và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,1% m/m trong tháng 12/2020 sau khi cùng tăng 0,2% ở tháng 11, khớp với dự báo của các chuyên gia. Như vậy, trong năm 2020 CPI chung và CPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 1,4% và 1,6%.
Chủ tịch NHTW Châu Âu Christine Lagarde cho biết bà rất tin tưởng vào việc Eurozone sẽ phục hồi trong năm 2021 bất chấp việc các nước trong khu vực tái áp đặt các biện pháp hạn chế và quá trình áp dụng vaccine vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công. Trong tháng 12/2020, ECB dự báo Eurozone tăng trưởng 3,9% trong năm 2021 sau khi giảm 7,3% năm 2020. Thống đốc ECB khẳng định những dự báo trên vẫn đáng tin cậy, trong trường hợp các biện pháp phong tỏa chỉ kéo dài cho tới cuối quý I 2021. Nếu các nước phải gia hạn quá trình này, nhiều rủi ro đáng lo ngại sẽ xuất hiện và làm chậm quá trình phục hồi. Cuối cùng, bà Lagarde cũng lạc quan rằng hiện đang có nhiều yếu tố thuận lợi cho Eurozone, cụ thể là Brexit giữa EU và Anh đã đạt được thỏa thuận, cùng với đó là các hiệp định thương mại mà EU đạt được với một số quốc gia Châu Á.
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết sản lượng công nghiệp Eurozone tăng 2,5% m/m trong tháng 11/2020 sau khi tăng 2,1% ở tháng trước đó, vượt xa dự báo chỉ tăng 0,2%. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng công nghiệp của Eurozone chỉ giảm 0,6%. Riêng với Liên minh Châu Âu EU, mức giảm chỉ là 0,4%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB