Tổng quan:
Năm 2020 là một năm Việt Nam đạt được nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt là việc ký kết thành công các Hiệp định Thuơng mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác thương mại quan trọng.
Thứ nhất, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu EVFTA được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như "đường cao tốc" nối liền Việt Nam và châu Âu. EVFTA có hiệu lực từ 01/08, khởi động quá trình loại bỏ gần 99% dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới, giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường EU có GDP trị giá 15.000 tỷ USD. Theo tính toán của HSBC, EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm.
Thứ hai, do EVFTA sẽ không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit, để không gián đoạn thương mại, Việt Nam cũng đã hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại riêng với Anh ngay trong năm. Hiệp định thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) đã được ký kết tại Anh ngày 29/12 và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Hiệp định này mang lại kết quả 65% các loại thuế quan được dỡ bỏ và con số này sẽ tăng lên 99% trong giai đoạn chuyển tiếp 7 năm tới. Nhìn chung, Việt Nam không có thêm cam kết trong UKVFTA so với EVFTA. Theo tính toán của các chuyên gia, khi FTA này được áp dụng hoàn toàn, Việt Nam và Anh sẽ tiết kiệm lần lượt 3.420 tỷ đồng và 1.080 tỷ đồng mỗi năm tiền thuế xuất khẩu. UKVFTA sẽ giúp Việt Nam không những cải thiện lĩnh vực sản xuất quy mô lớn sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mà còn có thể ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do hơn, cũng như giúp các nhà sản xuất trong nước tránh được thuế nhập khẩu. Theo Bộ Công thương, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Anh mang tính chất bổ sung thay vì cạnh tranh, cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. Điều này cho thấy trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển. Ngoài ra, Bộ Công thương cho rằng, việc ký kết UKVFTA sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar, vốn là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Đối với Anh, UKVFTA sẽ hỗ trợ nước này củng cố khả năng tiếp cận rộng hơn khi rời Liên minh châu Âu EU. Theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss, Anh và Việt Nam có chung cam kết chiến lược đối với thương mại toàn cầu và tự do hoá giao dịch vốn và đầu tư. Hơn nữa, Thoả thuận UKVFTA là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh nước Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP vào đầu năm 2021.
Thứ ba, ngày 15/11/2020, sau tám năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết. Hiệp định RCEP vừa được ký bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. RCEP có nhiều ý nghĩa, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN. Tuy nhiên, RCEP cũng đặt ra những thách thức cho ngành nông nghiệp nếu muốn tận dụng hiệu quả lợi thế từ hiệp định. Ðó là việc các mặt hàng tương đồng sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn giữa các quốc gia tham gia RCEP, trong đó một số quốc gia có cùng chủng loại hàng nông sản với nước ta. Mặt khác, khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cũng trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP, nên các doanh nghiệp nước ta chắc chắn sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính trên sân nhà trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Tóm lược thị trường trong nước từ 28/12 - 31/12
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 28/12 - 31/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm qua các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần trước kỳ nghỉ lễ 31/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.131 VND/USD, giảm 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ niêm yết ở mức 23.125 VND/USD trong 3 phiên đầu tuần. NHNN thông báo, từ ngày 31/12, NHNN ngừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay; từ ngày 04/01/2021, NHNN mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.775 VND/USD.
Tỷ giá LNH liên tục giảm qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 31/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.100 VND/USD, giảm 25 đồng so với phiên 25/12.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm luân phiên khá mạnh trong tuần vừa qua. Chốt tuần 31/12, tỷ giá tự do tăng 40 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.300 – 23.350 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 28/12 - 31/12, lãi suất VND LNH biến động theo xu hướng tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên. Chốt phiên 31/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,18% (+0,03 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,26% (+0,05 đpt); 2W 0,31% (+0,02 đpt); 1M 0,44% (+0,03 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 31/12, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14 (không thay đổi); 1W 0,19% (không thay đổi); 2W 0,24% (không thay đổi) và 1M 0,35% (-0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 28/12 - 31/12, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, ngày 30/12, KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm. Khối lượng đặt thầu ở mức 13.939 tỷ đồng, gấp 2,33 lần so với khối lượng gọi thầu. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại do lãi suất không đạt được kỳ vọng của NĐT. Trong tuần có 500 tỷ đồng đáo hạn.
Trước đó ngày 28/12, VDB huy động thành công toàn bộ 900 tỷ đồng TPCP ở kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu tại 2,9%/năm (+0,05% so phiên trước).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 13.265 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 14.039 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 31/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,18% (+0,01 đpt); 2 năm 0,27% (+0,02 đpt); 3 năm 0,51% (+0,16 đpt); 5 năm 1,17% (+0,23đpt); 7 năm 1,45% (+0,25 đpt); 10 năm 2,42% (+0,10 đpt); 15 năm 2,63% (+0,09 đpt); 30 năm 3,21% (+0,04 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 28/12 - 31/12 chỉ có 1 phiên điều chỉnh nhẹ nên chốt tuần cả 3 sàn đều đóng cửa trong sắc xanh. Chốt phiên cuối tuần 31/12, VN-Index tăng 19,45 điểm (+1,79%) đạt mức 1.103,87 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 10,66 điểm (+5,54%) dừng tại 203,12 điểm; UPCOM-Index tăng 1,51 điểm (+2,07%) lên 74,45 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch đạt trên 14.600 tỷ đồng/phiên. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh hơn 1.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ làm việc về kế hoạch chi tiêu của năm 2021. Bên cạnh đó nước này áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ EU. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành khoản chi tiêu 2300 tỷ USD cho nước Mỹ. Cùng ngày, ngày 28/12/2020, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng mức chi cho mỗi người dân trong gói hỗ trợ đại dịch Covid-19 từ 600 USD lên 2.000 USD/người. Mức 2000 USD/người này được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất trước đó, sẽ cần sự ủng hộ của Thượng viện và chữ ký của ông Trump để chính thức thay đổi. Tuy nhiên, Quốc hội nước này cũng bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của ông Trump đối với khoản 740,5 tỷ USD chi tiêu cho quốc phòng trong năm 2021. Theo các chuyên gia, khoản chi tiêu quốc phòng này giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Liên quan tới vấn đề về thuế quan đối với EU, ngày 30/12/2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ USTR cho biết sẽ áp thuế bổ sung đối với các linh kiện chế tạo máy bay, một số loại vang không có gas, rượu cognac và các loại rượu mạnh khác nhập khẩu từ Pháp và Đức. Hiện phía EU chưa có động thái gì đối với quyết định này của Mỹ.
Nước Mỹ trong tuần qua đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, cán cân thương mại hàng hóa nước này thâm hụt 84,8 tỷ USD trong tháng 11, sâu hơn mức thâm hụt 80,3 tỷ của tháng 10, đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 81,5 tỷ theo dự báo. Tiếp theo, Hiệp hội Môi giới bất động sản Quốc gia Mỹ cho biết doanh số nhà chờ bán tại nước này tiếp tục giảm 2,6% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 0,9% ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ 0,1 và đánh dấu tháng giảm doanh số thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ 11 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 16,4% so với cùng kỳ 2019. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 26/12 được thông báo ở mức 787 nghìn đơn, giảm mạnh từ mức 806 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng lên mức 832 nghìn đơn.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB