Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 11/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.127 VND/USD, tăng 06 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.771 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.070 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên 08/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.400 - 23.450 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 11/01, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,16%; 1W 0,23%; 2W 0,30% và 1M 0,43%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W, giữ nguyên ở các kỳ hạn 2W và 1M, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,24%, 1M 0,37%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3Y và 5Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,64%; 5Y 1,22%; 7Y 1,61%; 10Y 2,35%; 15Y 2,57%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh ngay từ đầu phiên, giá trị giao dịch tiếp tục lập kỷ lục. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,2 điểm (+1,47%) lên 1.184,89 điểm; HNX-Index tăng 1,72 điểm (+0,79%) lên 219,12 điểm; UPCoM-Index tăng 0,88 điểm (+1,16%) lên 76,95 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao tương tự các phiên trước đó với tổng trị giá giao dịch gần 21.500 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 282 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 07/01/2021, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2021. Chỉ thị nêu rõ các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng năm 2021, trong đó có mục tiêu: Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách KTVM khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định KTVM, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng TD khoảng 12%, được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày ký.
Liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định tăng giá xăng – dầu lần thứ 4 liên tiếp từ ngày 11/01. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 430 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 451 đồng/lít, dầu diesel tăng 271 đồng/lít, dầu hỏa tăng 370 đồng/lít, giữ nguyên giá dầu mazut. Sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ xăng dầu trong nước như sau: xăng E5 RON 92 không cao hơn 15.948 đồng/lít, xăng RON 95-III không cao hơn 16.930 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 12.647 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 11.558 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 12.272 đồng/kg.
Tin quốc tế:
Tổ chức Sentix cho biết chỉ số niềm tin đầu tư tại khu vực Eurozone khảo sát được ở mức 1,3 điểm trong tháng 01/2021, tăng từ mức -2,7 điểm của tháng trước, tuy vẫn chưa đạt kỳ vọng ở mức 2,0 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số niềm tin đầu tư tại khu vực này trở lại mức dương kể từ sau khi bị ảnh hưởng rất mạnh bởi dịch Covid-19 vào tháng 03/2020.
Văn phòng Thống kê Úc báo cáo doanh số bán lẻ của nước này tăng 7,1% m/m trong tháng 11/2020 sau khi tăng 7,0% ở tháng 10, vượt nhẹ so với kỳ vọng tăng 7,0% của các chuyên gia. Theo đó, doanh số bán lẻ tháng 11 nước này tăng 13,3% so với cùng kỳ 2019.
Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số CPI chung tại nước này tăng 0,2% y/y trong tháng 12/2020, tích cực hơn nhiều so với mức giảm 0,5% được ghi nhận trong tháng 11, đồng thời tích cực hơn mức 0,0% y/y theo dự báo. Riêng đối với thịt lợn, nguồn cung được phục hồi nhanh chóng sau đợt dịch tả lợn châu Phi đã khiến mặt hàng này giảm giá 1,3% so cùng kỳ 2020.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB