Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 07/01/2021

08:00 07/01/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.123 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.767 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên giao dịch ở mức 23.125 VND/USD, tăng mạnh 35 đồng so với phiên 05/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.380 - 23.420 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/01, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn 1W và 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,17%; 1W 0,22%; 2W 0,28% và 1M 0,43%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 2W và giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,25%, 1M 0,36%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,62%; 5Y 1,21%; 7Y 1,54%; 10Y 2,36%; 15Y 2,57%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sắc xanh bao trùm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong suốt phiên giao dịch, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,66 điểm (+0,94%) lên 1.143,21 điểm; HNX-Index tăng 3,55 điểm (+1,71%) lên 211,68 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,52%) lên 74,82 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng so với phiên trước đó với tổng trị giá giao dịch gần 20.450 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 212 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN năm 2021 đạt 1,343 triệu tỷ đồng, tương đương tỷ lệ huy động NS khoảng 15,5% GDP. Trong đó, tỷ trọng thu nội địa chiếm 84,4%, thu dầu thô chiếm 1,7% và thu cân đối XNK chiếm 13,3%. Dự toán chi cả năm là 1,687 triệu tỷ đồng, thấp hơn 60.100 tỷ so với dự toán năm 2020. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 477.300 tỷ (chiếm 28,3% tổng chi); chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia là 112.900 tỷ (chiếm 6,7%); chi thường xuyên là 1,036 triệu tỷ (chiếm 61,4% tổng chi NSNN). Về bội chi, dự toán năm 2021 là 343.670 tỷ đồng, tăng 108.870 tỷ đồng so với dự toán năm 2020, bằng khoảng 4% GDP. Tổng nhu cầu huy động của Chính phủ (chưa bao gồm vay về cho vay lại) khoảng 580.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công bằng khoảng 46,1% GDP.                                  

Tin quốc tế:

Trong biên bản phiên họp chính sách tháng 12 vừa được công bố, các quan chức Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC của Mỹ thống nhất giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức gần bằng 0 và giữ nguyên khối lượng mua trái phiếu ở mức 120 tỷ USD hàng tháng. Các quan chức FOMC cho rằng tốc độ này là phù hợp cho đến khi đạt được tiến bộ đáng kể hơn nữa nhằm đạt được các mục tiêu về toàn dụng nhân công và ổn định giá cả của Ủy ban. Biên bản cũng cho thấy, hoạt động kinh tế và thị trường lao động vẫn tiếp tục hồi phục nhưng vẫn còn ở mức thấp so với đầu năm 2020.

Tổ chức ADP cho biết lĩnh vực phi nông nghiệp tại Mỹ giảm 123 nghìn lao động trong tháng 12 sau khi tạo ra 307 nghìn lao động mới ở tháng trước đó, trái với dự báo có thêm 75 nghìn lao động mới của các chuyên gia.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI sơ bộ của Đức tăng 0,5% m/m trong tháng 12 sau khi giảm 0,8% ở tháng 11, gần khớp với mức tăng 0,6% theo dự báo. Như vậy, CPI nước này tăng 0,5% trong năm 2020. Tiếp theo, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất nước Đức chính thức ở mức 47,0 điểm trong tháng 12, điều chỉnh xuống từ mức 47,7 điểm theo khảo sát sơ bộ, tuy nhiên vẫn tăng so với mức 46 điểm của tháng 11. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực sản xuất của cả khu vực Eurozone chính thức ghi nhận mức 49,4 điểm trong tháng 12, điều chỉnh xuống từ 49,9 điểm theo sơ bộ và cũng tăng so với 47,6 điểm của tháng 11.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm