Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/01, NHNN giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.131 VND/USD, tỷ giá bán ở mức 23.775 VND/USD. NHNN tiếp tục không niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên giao dịch ở mức 23.080 VND/USD, giảm 20 VND so với phiên trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 50 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.350 - 23.380 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,03 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên 31/12, cụ thể: ON 0,15%; 1W 0,22%; 2W 0,28% và 1M 0,41%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,26%, 1M 0,38%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3Y và 5Y trong khi giảm ở các kỳ hạn dài hơn, cụ thể: 3Y 0,55%; 5Y 1,18%; 7Y 1,42%; 10Y 2,36%; 15Y 2,56%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu lớn ngay từ đầu phiên, giao dịch diễn ra sôi động với thanh khoản duy trì ở mức cao. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,60 điểm (+1,50%) lên 1.120,47 điểm; HNX-Index tăng 3,17 điểm (+1,56%) lên 206,28 điểm; UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,35%) xuống 74,20 điểm. Thanh khoản thị trường đạt mức rất cao với tổng trị giá giao dịch trên 18.300 tỷ đồng. Khối ngoại duy trì bán ròng mạnh hơn 366 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ như sau: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%); (2) GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; (3) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng từ 49,9 điểm tháng 11 lên 51,7 điểm tháng 12 và đạt mức ngang bằng với tháng 10. Đây là lần cải thiện thứ ba trong bốn tháng qua. Dữ liệu cho thấy sản lượng tăng trở lại sau khi chịu thiệt hại do bão lụt trong tháng trước. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ tư liên tiếp và với mức độ mạnh và nhanh hơn tháng 11 là yếu tố chính dẫn đến tăng sản lượng. Kết quả PMI trung bình trong quý 4 là cao nhất trong năm, cho thấy động lực tăng đang hình thành khi bước vào năm 2021.
Tin quốc tế:
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán New York NYSE đã công bố sẽ loại bỏ các công ty viễn thông Trung Quốc ra khỏi sàn, nhằm tuân thủ quy định hạn chế giao dịch cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp được cho là có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Các công ty được nhắm đến bao gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom Hongkong. Các doanh nghiệp này sẽ chính thức bị ngừng giao dịch kể từ ngày 11/01/2021. Bên cạnh đó, công ty năng lượng CNOOC đang nằm trong danh sách theo dõi giới chức Mỹ, có thể sẽ là công ty tiếp theo bị hủy niêm yết tại thị trường này. Ở phía ngược lại, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nước mình.
PMI lĩnh vực sản xuất của nước Mỹ được IHS Markit cho biết chính thức đạt 57,1 điểm trong tháng 12/2020, tăng so với mức 56,7 điểm của tháng 11 và được điều chỉnh tăng so với mức 56,7 điểm theo báo cáo sơ bộ. Tiếp theo, mức chi tiêu cho lĩnh vực xây dựng tại Mỹ tiếp tục tăng 0,9% m/m trong tháng 11 sau khi tăng 1,6% ở tháng trước đó, gần đạt mức tăng 1,1% như kỳ vọng của các chuyên gia.
PMI lĩnh vực sản xuất của nước Anh được IHS Markit cho biết chính thức đạt 57,5 điểm trong tháng vừa qua, tăng từ mức 55,6 điểm của tháng trước đó, đồng thời được điều chỉnh tích cực nhẹ so với mức 57,3 điểm theo khảo sát sơ bộ.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB