Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 11/01 - 15/01/2021

08:00 18/01/2021

Tổng quan:

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chỉ thị đầu tiên của năm 2021 để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

Ngày 01/01/2021, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, để tạo nền tảng cho tăng tốc phát triển ngay từ năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao). Một số mục tiêu phấn đấu cụ thể năm 2021 của Chính phủ như sau: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5%; (2) GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD; (3) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân: Khoảng 4%; (4) Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng: Khoảng 45 - 47%; (5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững; đồng thời tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công...

Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 đã được ban hành vào ngày 07/01 để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ. Chỉ thị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành đã nêu rõ các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng trong năm 2021 gồm: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các TCTD yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống Quỹ TDND bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Tóm lược thị trường trong nước từ 11/01 - 15/01

Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 11/01 - 15/01, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm qua các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 15/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.136 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.780 VND/USD.

Tỷ giá LNH ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 15/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.069 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên 08/01.

Sau khi tăng khá mạnh phiên đầu tuần, tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm trở lại các phiên sau đó. Chốt tuần 15/01, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.360 – 23.390 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 11/01 - 15/01, lãi suất VND LNH vẫn không có nhiều biến động. Chốt phiên 15/01, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,15% (giữ nguyên so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,22% (+0,02 đpt); 2W 0,29% (+0,01 đpt); 1M 0,43% (+0,02 đpt).

Lãi suất USD LNH tiếp tục biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 15/01, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14 (+0,01 đpt); 1W 0,19% (không thay đổi); 2W 0,24% (không thay đổi) và 1M 0,36% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 11/01 - 15/01, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.

Thị trường trái phiếu: Tuần qua, KBNN huy động thành công toàn bộ 6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu lần lượt tại 2,25%/năm (-0,03%); 2,48%/năm (-0,02%); 2,89%/năm (không đổi) và 3,1%/năm (-0,04%). Trong tuần qua, đáo hạn TPCP ở mức 2 nghìn tỷ đồng. Tuần từ 18-22/01, KBNN gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP, tăng nhẹ so với mức 6.000 tỷ đồng của tuần trước. Khối lượng đáo hạn TPCP trong tuần này ở mức 2,7 nghìn tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.889 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 13.464 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua giảm ở hầu hết các kỳ hạn so với phiên cuối tuần trước đó. Chốt phiên 15/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,26% (-0,01 đpt); 2 năm 0,41% (không thay đổi); 3 năm 0,54% (-0,1 đpt); 5 năm 0,96% (-0,25đpt); 7 năm 1,23% (-0,40 đpt); 10 năm 2,17% (-0,19 đpt); 15 năm 2,40% (-0,17 đpt); 30 năm 3,13% (-0,02 đpt).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 11/01 - 15/01 chỉ có một phiên điều chỉnh giảm nhẹ trong khi tăng tích cực ở các phiên còn lại, tuy nhiên VN-Index vẫn chưa vượt được ngưỡng 1.200 điểm. Chốt phiên cuối tuần 15/01, VN-Index tăng mạnh 26,51 điểm (+2,27%) đạt mức 1.194,20 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 8,07 điểm (+3,71%) lên mức 225,47 điểm; UPCOM-Index tăng 2,57 điểm (+3,38%) lên 78,64 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt mức rất cao với giá trị giao dịch đạt gần 21.000 tỷ đồng/phiên. Mặc dù mua ròng ở 2 phiên đầu tuần, chốt tuần các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh hơn 2.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn, đặc biệt phiên cuối tuần bán ròng hơn 2.200 tỷ đồng.                          

Tin quốc tế

Ngân hàng Thế giới WB nhận định lạc quan hơn về kinh tế 2020, tuy nhiên cắt giảm nhẹ triển vọng phục hồi năm 2021. Báo cáo tháng 01/2021 của WB cho thấy tổ chức này ước lượng kinh tế thế giới suy giảm 4,3% (+0,9 đpt so dự báo tháng 06/2020) trong năm vừa qua dưới sự tác động của dịch Covid-19. Trong các nền kinh tế lớn, Mỹ được đánh giá sơ bộ giảm 3,6% (+2,5 đpt); Châu Âu giảm 7,4% (+1,7 đpt) và Nhật Bản giảm 5,3% (+0,8 đpt). Nhóm nước đang phát triển giảm 2,6% (-0,1 đpt), trong đó Trung Quốc tăng trưởng 2,0% (+1,0 đpt). Về năm 2021, WB kỳ vọng thế giới phục hồi 4,0% (-0,2 đpt). Trong đó, nhóm nước phát triển phục hồi 3,3% (-0,6 đpt); Mỹ phục hồi 3,5% (-0,5 đpt); Châu Âu phục hồi 3,6% (-0,9 đpt); Nhật Bản phục hồi 2,5% (0,0 đpt). Nhóm nước đang phát triển được dự báo phục hồi 5,0% (-0,1 đpt); Trung Quốc phục hồi rất mạnh 7,9% (+1,0 đpt). Ngoài đưa ra triển vọng kinh tế, WB cũng cảnh báo đại dịch vẫn đang hoành hành trong khi việc triển khai tiêm vaccine còn gặp nhiều thách thức, một số nước đã không còn nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường, tình trạng nợ công trên toàn thế giới đang ở mức cao lịch sử. Tất cả các yếu tố trên có thể trì hoãn sự phục hồi của kinh tế thế giới vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai.

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều trong tuần qua. Đầu tiên, CPI chung và CPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 0,4% và 0,1% m/m trong tháng 12/2020 sau khi cùng tăng 0,2% ở tháng 11, khớp với dự báo của các chuyên gia. Như vậy, trong năm 2020, CPI chung và CPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 1,4% và 1,6%. Chỉ số giá nhập khẩu của nước này tăng 0,9% m/m trong tháng 12 sau khi tăng 0,1% ở tháng trước đó, cao hơn so với mức tăng 0,7% theo kỳ vọng. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 09/01/2021 ở mức 965 nghìn đơn, tăng vọt từ mức 787 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt rất xa so với dự báo ở mức 785 nghìn đơn. Cuối cùng, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của nước Mỹ lần lượt giảm 1,4% và 0,7% m/m trong tháng 12 sau khi giảm 1,3% và 1,4% ở tháng trước đó, tiêu cực hơn rất nhiều so với dự báo giảm 0,1% và đi ngang 0,0%.

Khu vực Eurozone đón một số thông tin quan trọng. Đầu tiên, tổ chức Sentix cho biết chỉ số niềm tin đầu tư tại khu vực Eurozone khảo sát được ở mức 1,3 điểm trong tháng 01/2021, tăng từ mức -2,7 điểm của tháng trước, tuy vẫn chưa đạt kỳ vọng ở mức 2,0 điểm. Tiếp theo, Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết sản lượng công nghiệp Eurozone tăng 2,5% m/m trong tháng 11/2020 sau khi tăng 2,1% ở tháng trước đó, vượt xa dự báo chỉ tăng 0,2%. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng công nghiệp của Eurozone chỉ giảm 0,6%. Riêng với Liên minh Châu Âu EU, mức giảm chỉ là 0,4%. Cuối cùng, cán cân thương mại của Eurozone thặng dư 25,1 tỷ EUR trong tháng 11/2020, tương đương với mức thặng dư 25,2 tỷ của tháng 10 và vượt mạnh so với dự báo thặng dư 22,3 tỷ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm