Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 19/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.152 VND/USD, tăng khá mạnh 11 đồng so với phiên hôm trước. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.797 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.069 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên 18/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.470 - 23.500 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 19/01, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn ON, đi ngang ở kỳ hạn 1W và 2W, trong khi giảm 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên hôm trước, cụ thể: ON 0,16%; 1W 0,21%; 2W 0,29% và 1M 0,44%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,19%; 2W 0,24%, 1M 0,36%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ ở kỳ hạn 3Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,60%; 5Y 0,92%; 7Y 1,16%; 10Y 2,13%; 15Y 2,34%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Phiên giao hôm qua, các cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm điểm, kéo VN-Index xuống mức rất xa so với ngưỡng thử thách 1.200 điểm trước đó. Chốt phiên, VN-Index giảm 60,94 điểm (-5,11%), xuống 1.131,00 điểm; HNX-Index giảm 8,40 điểm (-2,81%), xuống 224,02 điểm; UPCoM-Index giảm 3,86 điểm (-3,06%), xuống 76,15 điểm. Thanh khoản thị trường rất cao với tổng trị giá giao dịch đạt gần 25.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 140 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Viện Kinh tế Việt Nam nêu ra ba kịch bản tăng trưởng năm 2021 trong buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”, diễn ra sáng 19/01. Ba kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ FDI.
Tin quốc tế:
Bà Janet Yellen – người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chỉ định giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho biết cả bà và ông Biden đều lo ngại về tình hình nợ công của đất nước, nhưng với lãi suất hiện tại đang ở mức thấp thì điều thông minh nhất là phải hành động thật mạnh mẽ bằng các gói cứu trợ tài khóa. Bà tin tưởng rằng những lợi ích mang lại sẽ vượt xa những chi phí mà Mỹ sẽ phải bỏ ra. Cách đây ít ngày, Tổng thống đắc cử Joe Biden công bố kế hoạch cứu trợ nền kinh tế đầu tiên của ông trong nhiệm kỳ sắp tới với tổng giá trị khoảng 1.900 tỷ USD, trong đó 415 tỷ để phản ứng với Covid-19 và tiêm chủng vaccine, 1.000 tỷ hỗ trợ các hộ gia đình và khoảng 440 tỷ để cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ. Tuy nhiên, những dự định này của ông cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ để có thể kích hoạt.
Niềm tin kinh tế tại khu vực Eurozone được tổ chức ZEW khảo sát được ở mức 58,3 điểm trong tháng 01/2021, tăng khá mạnh so với mức 54,4 điểm của tháng 12/2020, đồng thời trái với dự báo giảm xuống mức 54,1 điểm. Đối với riêng nước Đức, chỉ số niềm tin kinh tế trong tháng này ở mức 61,8 điểm; tăng mạnh 6,8 điểm so với tháng trước. Tiếp theo, cán cân vãng lai tại khu vực Eurozone thặng dư 24,6 tỷ EUR trong tháng 11/2020, thấp hơn mức thặng dư 25,6 tỷ của tháng 10 và thấp hơn mức thặng dư 28,2 tỷ theo dự báo. Cuối cùng, CPI của nước Đức được thông báo tăng 0,5% m/m trong tháng 12/2020, bằng với mức tăng của tháng trước đó và khớp với dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB