Tổng quan:
Năm 2020, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhờ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn phục hồi bền vững và tăng trưởng tích cực ở hầu hết các khía cạnh của thị trường vào giai đoạn cuối năm 2020, làm điểm tựa cho kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng năm 2021.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm vào thời điểm 31/12/2020, tăng mạnh tới 67% so với đợt tháng 3/2020, thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với cuối năm 2019; chỉ số HNX Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối Quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019. Quy mô thị trường cổ phiếu vượt mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2020, đồng thời thị trường trái phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm cuối Quý I và tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020. Thị trường trái phiếu có 477 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019 (tương đương 23% GDP). Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục. Giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019, tháng cuối năm đạt 15.000-17.000 tỷ đồng mỗi phiên. Thanh khoản trên TTTP tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới năm 2020 đạt 393.659 tài khoản, tăng 94% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm 2019, khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản. Luỹ kế tới hết tháng 12/2020, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019. TTCK phái sinh tiếp tục đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân năm 2019. Tính tại thời điểm 31/12/2020, khối lượng mở (OI) toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019. TTCK tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng với tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019. Sở dĩ chứng khoán Việt Nam ngược dòng tăng giá trước hết là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK, ngân hàng... cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho một sự hồi phục và bứt phá nhanh chóng của chứng khoán. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, với xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát... Hầu hết các tổ chức quốc tế trong những báo cáo cuối năm đều nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 như World Bank, IMF, ADB... lên mức 2-3%. Chính phủ Việt Nam cũng có những biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách tích cực như: đẩy mạnh đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mở rộng hội nhập với nhiều hiệp định thương mại được triển khai như EVFTA, RCEP.
Theo ý kiến các chuyên gia chứng khoán, trong năm 2021, chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ triển vọng kinh tế tốt. Bên cạnh đó, hiệu ứng tiền rẻ tiếp tục kéo dài do đại dịch chưa chấm dứt, NHTW các nước vẫn bơm tiền vào thị trường. Xu thế tăng được kỳ vọng áp đảo trong năm 2021 với VN-Index mục tiêu cao nhất 1.350 - 1.400 điểm, tăng gần 30% so với 2020. Động lực chính của thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 là bệnh dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả trong nước và toàn cầu đi kèm với phát triển thành công Vaccine hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi rõ nét theo mô hình chữ V. Nới lỏng tiền tệ duy trì và dòng tiền mới từ nhà đầu tư F0 giữ dòng tiền tham gia thị trường ở mức cao kỷ lục, tạo sức bật cho đà tăng giá cổ phiếu. Đồng thời, chính sách nới lỏng đầu tư công và làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp diễn, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán 2021, các chuyên gia cũng chia sẻ một số tín hiệu cảnh báo. Thị trường cổ phiếu Mỹ đang ở mức đắt đỏ trong 100 năm qua, trong khi đó tại Việt Nam, mức định giá của thị trường cũng đang dần trở nên đắt đỏ, cho thấy, nhà đầu tư phải có sự thận trọng cao hơn mới hy vọng có một năm 2021 tiếp tục tăng trưởng. Nền kinh tế cả nước, tuy được dự báo tăng trưởng cao trong năm 2021, cũng đang tiềm ẩn nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tăng trưởng của thị trường chủ yếu dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy có nguy cơ bong bóng tài sản. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư mới quá nhiều nên kiến thức, kinh nghiệm đầu tư còn hạn chế, dẫn đến rủi ro thua lỗ cao. Một điểm không thể không nhắc đến là TTCK có thể không đạt như mức kỳ vọng nếu rủi ro tình hình dịch bệnh tái phát ở Việt Nam, làm cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tóm lược thị trường trong nước từ 18/01 - 22/01
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 18/01 - 22/01, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng – giảm qua các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 22/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.137 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.781 VND/USD.
Tỷ giá LNH vẫn ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 22/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.074 VND/USD, tăng nhẹ 05 đồng so với phiên 15/01.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng ở hầu hết các phiên, đặc biệt tăng mạnh phiên đầu tuần qua. Chốt tuần 22/01, tỷ giá tự do tăng mạnh 140 đồng ở chiều mua vào và 150 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.500 – 23.540 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 18/01 - 22/01, lãi suất VND LNH tiếp tục xu hướng biến động nhẹ. Chốt phiên 22/01, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,16% (+0,01 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,20% (-0,02 đpt); 2W 0,28% (-0,01 đpt); 1M 0,46% (+0,03 đpt).
Lãi suất USD LNH ít biến động trong tuần qua. Chốt tuần 22/01, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,15 (+0,01 đpt); 1W 0,19% (không thay đổi); 2W 0,25% (+0,01 đpt) và 1M 0,38% (+0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 18/01 - 22/01, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Tuần qua, KBNN huy động thành công toàn bộ 10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm đạt 3.750 tỷ đồng/mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 20 năm và 30 năm trúng 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu lần lượt tại 2,15%/năm (-0,10%); 2,38%/năm (-0,10%); 2,89%/năm (không đổi) và 3,0%/năm (-0,10%). Trong tuần qua, có 2,7 nghìn tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần từ 25-29/01, KBNN gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Khối lượng đáo hạn TPCP trong tuần này ở mức 460 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 17.780 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 14.889 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 22/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh: 1 năm 0,25% (-0,01 đpt); 2 năm 0,41% (+0,01 đpt); 3 năm 0,62% (+0,08 đpt); 5 năm 1,08% (+0,12 đpt); 7 năm 1,19% (-0,03 đpt); 10 năm 2,18% (+0,01 đpt); 15 năm 2,38% (-0,02 đpt); 30 năm 3,05% (-0,07 đpt).
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán tuần 18/01 - 22/01, mặc dù tăng tích cực nhiều phiên, thị trường vẫn chao đảo bởi một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên cuối tuần 22/01, VN-Index giảm 27,42 điểm (-2,30%) xuống mức 1.166,78 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 14,65 điểm (+6,50%) lên mức 240,12 điểm; UPCOM-Index giảm 1,04 điểm (-1,32%) xuống 77,60 điểm.
Thanh khoản thị trường tuy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch đạt trên 19.800 tỷ đồng/phiên. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh gần 1.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
NHTW Châu Âu ECB và NHTW Nhật Bản BOJ không thay đổi về CSTT trong cuộc họp đầu năm 2021. Về ECB, NHTW này giữ LS tái cấp vốn ở mức 0,0%, LS cho vay cận biên 0,25% và LS tiền gửi -0,50%. ECB dự kiến sẽ duy trì các mức LS như hiện tại hoặc thấp hơn, cho tới khi nhìn thấy triển vọng lạm phát tăng lên và tới gần ngưỡng mục tiêu 2,0% y/y. Bên cạnh đó, ECB cho biết sẽ tiếp tục chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch PEPP với quy mô 1.850 tỷ EUR. Ở Nhật Bản, BOJ quyết định giữ nguyên LSCS ở mức -0,1%. Ngoài ra, BOJ cho biết sẽ tiếp tục thu mua TPCP Nhật Bản, theo đó lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của nước này sẽ duy trì quanh mức 0%. Cuối cùng, BOJ khẳng định sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng định lượng và định tính QQE cho tới khi đạt được lạm phát mục tiêu ổn định ở mức 2,0% y/y. Trong tuần này, thế giới chờ đợi thông tin cuộc họp đầu năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Kết quả họp của Fed sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 27/01 theo giờ Việt Nam. Biên bản cuộc họp tháng 12/2020 và phát biểu gần nhất của Chủ tịch Jerome Powell đều cho thấy khả năng Fed sẽ không thay đổi LSCS đang ở mức 0% - 0,25%, hướng đến mục tiêu toàn dụng nhân công tại Mỹ và lạm phát mục tiêu 2,0%.
Nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 16/01 ở mức 900 nghìn đơn, giảm nhẹ so với mức 926 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn dự báo ở mức 930 nghìn đơn. Tiếp theo, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng 12/2020 lần lượt ở mức 1,71 triệu đơn và 1,61 triệu căn, cùng cao hơn so với 1,64 triệu đơn và 1,58 triệu căn của tháng 11, đồng thời cao hơn mức 1,60 triệu đơn và 1,56 triệu căn theo dự báo. Doanh số bán nhà cũ của nước này trong tháng 12 ở mức 6,76 triệu căn, cao hơn một chút so với 6,71 triệu căn của tháng 11 và vượt dự báo ở mức 6,55 triệu căn. Cuối cùng, hãng IHS Markit khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Mỹ lần lượt ở mức 59,1 và 57,5 điểm trong tháng 01/2021, tăng khá nhiều so với 57,1 và 54,8 điểm của tháng trước, trái với dự báo giảm xuống còn 56,6 và 53,3 điểm
Khu vực Eurozone đón một số thông tin quan trọng. Đầu tiên, CPI chung của khu vực này chính thức giảm 0,3% y/y và CPI lõi tăng 0,2% y/y trong tháng 12, tương tự những gì diễn ra trong tháng 11 và không thay đổi so với thống kê sơ bộ. Đối với Liên minh Châu Âu EU27, CPI chung trong tháng vừa qua ghi nhận mức tăng 0,3% y/y, tăng lên so với mức 0,2% của tháng 11. PMI lĩnh vực sản xuất của Eurozone được IHS Markit khảo sát được ở mức 54,7 điểm trong tháng 01/2021, giảm nhẹ so với 55,2 điểm của tháng trước, cao hơn một chút so với 54,5 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ tháng này ở mức 45,0 điểm, giảm từ mức 46,4 điểm của tháng trước và cao hơn 44,4 điểm theo dự báo. Cuối cùng, niềm tin kinh tế tại khu vực này được tổ chức ZEW khảo sát được ở mức 58,3 điểm trong tháng 01/2021, tăng khá mạnh so với mức 54,4 điểm của tháng 12/2020, đồng thời trái với dự báo giảm xuống mức 54,1 điểm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB