Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 29/01/2021

08:00 29/01/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 28/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.147 VND/USD, tiếp tục tăng nhẹ 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.791 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.065 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên 27/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.450 - 23.500 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 28/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W, giảm 0,02 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,16%; 1W 0,26%; 2W 0,40% và 1M 0,63%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,24%, 1M 0,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,77%; 5Y 1,15%; 7Y 1,39%; 10Y 2,29%; 15Y 2,47%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, áp lực bán tiếp tục dâng cao, đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%) xuống còn 1.023,94 điểm, đây là mức giảm kỷ lục về mặt tuyệt đối của chỉ số này. Tương tự, HNX-Index cũng giảm đến 17,74 điểm (-8,03%) xuống 203,05 điểm; UPCoM-Index giảm 5,34 điểm (-7,17%) xuống 69,12 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước đó với tổng trị giá giao dịch đạt gần 20.800 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh gần 520 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm tính đến ngày 20/01/2021, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, có 47 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 81,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt trên 1,3 tỷ USD, giảm 70,3% so với cùng kỳ; có 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 40,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 472,2 triệu USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ; có 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN, giảm 78,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 220,8 triệu USD, giảm 58,7% so với cùng kỳ.   

Tin quốc tế:

Kinh tế Mỹ suy giảm mạnh nhất trong vòng 74 năm trở lại đây. Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ cho biết GDP nước này tăng 4,0% q/q trong quý 4/2020 sau khi tăng 33,4% ở quý trước đó, thấp hơn so với mức tăng 4,3% theo dự báo. Như vậy, GDP của nước này đã suy giảm 3,5% trong năm tài khóa 2020, là mức giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Bên cạnh thông tin trên, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 21/01 ở mức 847 nghìn đơn, giảm tương đối nhiều so với 914 nghìn đơn của tuần trước đó, xuống thấp hơn mức 860 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, Cơ quan Điều tra Dân số Mỹ cho biết doanh số bán nhà mới tại Mỹ tháng 12/2020 ở mức 842 nghìn căn, cao hơn một chút so mức 829 nghìn căn của tháng 11, tuy nhiên thấp hơn so với mức 860 nghìn căn theo dự báo.

Theo Reuters tại Bắc Kinh, Trung Quốc có thể không đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong năm nay do lo ngại việc này có thể khiến cho các tỉnh gia tăng nợ công. Các cố vấn Chính phủ nước này cho rằng thay vì đặt mục tiêu GDP, Bắc Kinh có thể theo đuổi các chỉ số cụ thể như việc làm và một số thước đo ngầm khác. Tuy nhiên, cũng rất nhiều ý kiến không ủng hộ ý kiến trên. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vẫn mong muốn có một mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Quyết định chính thức có thể sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội thường niên Trung Quốc vào đầu tháng 03/2021.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết doanh số bán lẻ của nước này giảm 0,3% m/m trong tháng 12/2020 sau khi tăng lần lượt 6,4% và 0,6% trong tháng 10 và tháng 11. Theo đó, doanh số bán lẻ Nhật Bản giảm 3,3% trong cả năm 2020.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm