Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 02/02/2021

08:00 02/02/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 01/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.151 VND/USD, giảm mạnh 09 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.796 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.037 VND/USD, giảm mạnh 11 đồng so với phiên 29/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 40 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.520 - 23.570 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 01/02, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng mạnh 0,19 – 0,26 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,59%; 1W 0,78%; 2W 0,87% và 1M 1,04%. Trong khi đó, lãi suất chào bình quân LNH USD chỉ tăng nhẹ 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,25%, 1M 0,36%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 5Y và 7Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,74%; 5Y 1,12%; 7Y 1,40%; 10Y 2,26%; 15Y 2,45%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chứng khoán tăng tích cực vào phiên sáng nhưng sau đó đảo chiều khi lực bán dâng cao, hàng loạt cổ phiếu trụ cột bị kéo xuống dưới giá sàn. Chốt phiên, VN-Index giảm 21,1 điểm (-2,0%) xuống 1.035,51 điểm; HNX-Index giảm 5,36 điểm (-2,50%) xuống 208,85 điểm; UPCoM-Index giảm 1,0 điểm (-1,39%) xuống 71,08 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước đó với tổng trị giá giao dịch đạt gần 15.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 188 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Markit, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 51,3 điểm vào tháng 1/2021, giảm nhẹ so với mức 51,7 điểm của tháng 12/2020, cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện chậm hơn vào đầu năm 2021. Mặc dù các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã cải thiện vào đầu năm 2021, tăng trưởng vẫn yếu hơn so với cuối năm 2020. Sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng hầu như không thay đổi trong tháng 1, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn. Trong khi đó, tình trạng thiếu container chuyển hàng và khan hiếm nguyên vật liệu đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, và từ đó góp phần làm tăng chi phí đầu vào với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2018.    

Tin quốc tế:

Nền công nghiệp Mỹ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 58,7% trong tháng 01/2021, giảm từ mức 60,7% của tháng trước đó và xuống sâu hơn so với mức 60,0% theo dự báo.

Eurozone đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này vẫn ở mức 8,3% trong tháng 12/2020, không thay đổi so với tháng trước đó và khớp với dự báo. Đây vẫn là một tỷ lệ thất nghiệp rất cao tại nước này kể từ cuối năm 2018 cho tới nay. Tiếp theo, IHS Markit cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của Eurozone chính thức ở mức 54,8 điểm trong tháng 01/2021, điều chỉnh nhẹ so với 54,7 điểm theo khảo sát sơ bộ, và giảm nhẹ so với 55,2 điểm của tháng trước đó. Cuối cùng, tại nước Đức, doanh số bán lẻ của quốc gia này giảm mạnh 9,6% m/m trong tháng 12/2020 sau khi tăng 1,1% ở tháng trước đó, sâu hơn rất nhiều so với mức giảm 2,0% theo dự báo.

Ngày 01/02, Anh đã chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, trở thành quốc gia mới đầu tiên đề nghị gia nhập CPTPP kể từ khi hiệp định này được thực thi vào năm 2018. Trong thời gian tới, Anh cần chứng tỏ rằng nước này có thể tuân thủ các quy tắc của CPTPP, đồng thời tham gia đàm phán thuế quan trên cơ sở song phương với 11 thành viên. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi hội đồng thành viên CPTPP, với Nhật Bản đảm nhiệm vị trí chủ tịch. Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp Anh, Theo IHS Markit, PMI lĩnh vực sản xuất tại nước Anh chính thức ở mức 54,1 điểm trong tháng 01/2021, được điều chỉnh tăng lên so với mức 52,9 điểm theo báo cáo sơ bộ, tuy nhiên vẫn cho thấy sự giảm mạnh từ mức 57,5 điểm của tháng 12/2020.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm