Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 25/01 - 29/01/2021

08:00 01/02/2021

Tổng quan:

 

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng nhẹ trong tháng 1/2021 so với tháng 12/2020, tuy nhiên vẫn giảm khá sâu so với cùng kỳ. Về thương mại, cả nước xuất siêu hơn 1 tỷ USD trong tháng 1.

Tháng 01/2021 là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng; giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với tháng 01/2020. Trong mức tăng 0,06% của CPI tháng 01/2021 so với tháng 12/2020, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: (i) Nhóm giao thông tăng cao nhất với 2,29% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 11/01 và 26/01/2021 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 6,07% (tác động làm CPI chung tăng 0,22%), nhu cầu mua sắm và sửa chữa phương tiện cuối năm tăng nên giá một số loại xe và giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện tăng; (ii) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,64%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán (lương thực tăng 0,83%; thực phẩm tăng 0,81%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15%); (iii) Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,44% do thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc và nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng nên giá quần áo, giày dép tăng; (iv) Nhóm giáo dục tăng 0,33% do thành phố Đà Nẵng thu lại học phí giáo dục từ tháng 01/2021, trong đó chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 0,38% (làm CPI chung tăng 0,02%); (v) Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng mức tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,31%, chủ yếu do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 2 làm giá điện sinh hoạt giảm 16,88% (tác động làm CPI chung giảm 0,56%), mặt khác, giá gas tăng 7,67%, giá nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 1,94% và giá dầu hỏa tăng 8,33%. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,1%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2021 giảm 0,97%. Lạm phát cơ bản tháng 01/2021 tăng 0,27% so với tháng 12/2020 và tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước.

Về thương mại, ước tính tháng 01/2021 cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,1 tỷ USD, giảm 2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Một tăng 50,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 37,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 56,2%. Trong tháng 1 có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 114,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 50,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 115,3%; hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3%; giày dép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 48,4%. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%; cao su đạt 321 triệu USD, tăng 142,2% (lượng tăng 119,7%); hạt điều đạt 268 triệu USD, tăng 51,7% (lượng tăng 78,2%); hạt tiêu đạt 51 triệu USD, tăng 42,4% (lượng tăng 21,9%); chè đạt 16 triệu USD, tăng 31,2% (lượng tăng 25,8%). Bên cạnh đó, rau quả đạt 260 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; cà phê đạt 217 triệu USD, giảm 12,6% (lượng giảm 17,6%); gạo đạt 154 triệu USD, giảm 20,4% (lượng giảm 29,5%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021 ước tính đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, giảm 5,8%. So với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Một tăng 41%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 35,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 44,3%. Trong tháng 1 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 46,3%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 128,3%; vải đạt 1,2 tỷ USD, tăng 32,9%.

Tóm lược thị trường trong nước từ 25/01 - 29/01

Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 25/01 - 29/01, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng khá mạnh qua các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 29/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, tăng mạnh 23 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.805 VND/USD.

Trong khi đó, tỷ giá LNH biến động giảm trong tuần qua. Chốt phiên 29/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.047 VND/USD, giảm 28 đồng so với phiên 22/01.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh phiên đầu tuần qua, sau đó giảm dần trở lại. Chốt tuần 29/01, tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.480 – 23.520 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 25/01 - 29/01, lãi suất VND LNH biến động theo xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 29/01, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,33% (+0,17 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,52% (+0,32 đpt); 2W 0,68% (+0,40 đpt); 1M 0,84% (+0,38 đpt).

Trái lại, lãi suất USD LNH tiếp tục ít biến động trong tuần qua. Chốt tuần 29/01, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14 (-0,01 đpt); 1W 0,18% (-0,01 đpt); 2W 0,23% (-0,02 đpt) và 1M 0,34% (-0,04 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 25/01 - 29/01, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.

Thị trường trái phiếu: Tuần qua, KBNN huy động thành công 7.496/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 75%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 1.300/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 3.100/4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động thành công 2.531/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm 565/1.000 tỷ đồng. Lãi suất phát hành các kỳ hạn lần lượt tại 1,07%/năm (-0,15%); 2,17%/năm (+0,02%); 2,38%/năm (không đổi); 3,01%/năm (+0,01%). Trong tuần qua, có 460 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần từ 01-05/02, KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này không có đáo hạn TPCP.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.484 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 17.780 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 29/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,23% (-0,02 đpt); 2 năm 0,43% (+0,01 đpt); 3 năm 0,75% (+0,13 đpt); 5 năm 1,12% (+0,04đpt); 7 năm 1,39% (+0,19 đpt); 10 năm 2,29% (+0,11 đpt); 15 năm 2,49% (+0,11 đpt); 30 năm 3,08% (+0,03 đpt).

Thị trường chứng khoán: Mặc dù hồi phục phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán tuần 25/01 - 29/01 vẫn tiếp tục đỏ cả 3 sàn khi áp lực bán đè nặng lên thị trường, tuy nhiên giá trị giao dịch vẫn ở mức cao. Chốt phiên cuối tuần 29/01, VN-Index giảm rất mạnh 110,17 điểm (-9,44%) xuống mức 1.056,61 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần giảm mạnh 25,91 điểm (-10,79%) xuống mức 214,21 điểm; UPCOM-Index giảm 5,52 điểm (-7,11%) xuống 72,08 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt mức cao với giá trị giao dịch đạt gần 19.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng gần 472 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua, đặc biệt phiên cuối tuần mua ròng mạnh hơn 1.100 tỷ đồng.                             

Tin quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nâng dự báo kinh tế toàn cầu 2020 và triển vọng 2021. Cụ thể, trong báo cáo cập nhật tháng 01/2021, IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 suy giảm 3,5% so với 2019; (+0,9 đpt so với lần dự báo hồi tháng 10/2020). IMF cho biết con số này phản ánh các động lực tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2020 đã mạnh hơn so với dự kiến. Về năm 2021, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,5%; (+0,3 đpt), viện dẫn rằng kỳ vọng vào vaccine cùng các gói cứu trợ tài khóa sẽ khiến các hoạt động kinh tế năm nay phục hồi mạnh mẽ. Đối với các nền kinh tế lớn, IMF dự báo trong năm 2021 Mỹ sẽ phục hồi 5,5% (+2,0 đpt); Nhật Bản phục hồi 3,1% (+0,8 đpt); Eurozone phục hồi 4,2% (-1,0 đpt) và Anh phục hồi 4,5% (-1,4 đpt).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed không thay đổi LSCS trong phiên họp đầu năm 2021. Cụ thể, trong cuộc họp vừa qua, Fed nêu rõ tốc độ phục hồi trong hoạt động kinh tế và việc làm đã chững lại trong những tháng gần đây, với sự yếu kém tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Fed tin tưởng kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm nay khi vaccine được phân phối rộng rãi hơn và kiểm soát được virus corona. Theo đó, cơ quan này quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức gần bằng 0 và chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD một tháng, nhận định Fed sẽ vẫn giữ các biện pháp kích thích kinh tế này cho đến khi đạt được mục tiêu hạ tỷ lệ thất nghiệp và đạt lạm phát mục tiêu 2%. Chương trình thu mua TPCP của Fed đang làm phình to khoản nợ mà cơ quan này nắm giữ một cách từ từ. Hiện bảng cân đối tài sản của Fed đã ở khoảng 7.400 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 4.200 tỷ vào thời điểm trước khi dịch Covid-19 lây lan tới Mỹ.

Mỹ và Đức đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về nước Mỹ, GDP nước này tăng 4,0% q/q trong quý 4/2020 sau khi tăng 33,4% ở quý trước đó, thấp hơn so với mức tăng 4,3% theo dự báo. Như vậy, GDP của nước này đã suy giảm 3,5% trong năm tài khóa 2020, là mức giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại nước này ở mức 89,3 điểm trong tháng 01/2021, tăng lên từ 87,1 điểm của tháng trước đó và vượt qua mức 88,9 điểm theo kỳ vọng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 23/01 ở mức 847 nghìn đơn, giảm tương đối nhiều so với 914 nghìn đơn của tuần trước đó, xuống thấp hơn mức 860 nghìn đơn theo dự báo. Doanh số bán nhà mới tại Mỹ tháng 12/2020 ở mức 842 nghìn căn, cao hơn một chút so mức 829 nghìn căn của tháng 11, tuy nhiên thấp hơn so với mức 860 nghìn căn theo dự báo. Về nước Đức, GDP sơ bộ của nước này tăng 0,1% q/q trong quý 4/2020 sau khi phục hồi mạnh 8,5% ở quý trước đó, trái với dự báo đi ngang (0,0% q/q) của các chuyên gia. CPI sơ bộ tại Đức tăng 0,8% m/m trong tháng 01/2021 sau khi tăng 0,5% ở tháng trước đó, cao hơn so với mức tăng 0,4% theo dự báo. Tuy nhiên, theo tổ chức GfK, niềm tin tiêu dùng tại nước này giảm xuống mức -15,6 điểm trong tháng 01/2021 từ mức -7,5 điểm của tháng 12/2020; sâu hơn rất nhiều so với dự báo ở mức -7,8 điểm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm