Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.144 VND/USD, giảm nhẹ 01 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.788 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.019 VND/USD, giảm mạnh 18 đồng so với phiên 03/02. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.560 - 23.590 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày hôm qua, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,12 – 0,20 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,03%; 1W 2,14%; 2W 2,18% và 1M 2,22%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi tăng nhẹ 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 0,16%; 1W 0,22%; 2W 0,28%, 1M 0,38%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,73%; 5Y 1,08%; 7Y 1,35%; 10Y 2,24%; 15Y 2,45%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên 04/02, NHNN tiếp tục chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 3.000,9 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này. Như vậy, NHNN bơm ròng 3.000,9 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 23.419,4 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chứng khoán rung lắc sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực điều chỉnh và giảm khá sâu. Kết thúc phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,9 điểm (+0,08%) lên 1.112,19 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,03%) lên 223,68 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,04%) lên 74,06 điểm. Thanh khoản trên thị trường tiếp tục giảm với tổng trị giá giao dịch đạt trên 14.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 191 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2020, tổng lượng kiều hối của kiều bào chuyển về nước qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 6,1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019. Con số trên vượt khoảng 600 triệu USD so với con số dự ước cả năm 2020 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự báo trước đó. Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã công bố, tính đến hết tháng 10/2020 kiều hối đổ vào toàn Việt Nam là 15,7 tỷ USD.
Tin quốc tế:
Mỹ đón một số thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần kết thúc ngày 29/01 ở mức 779 nghìn đơn, giảm tương đối mạnh từ mức 812 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên 828 nghìn đơn. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ trong tháng 01/2021 tăng 1,1% m/m sau khi tăng 1,3% ở tháng trước đó, vượt so với mức tăng 0,7% theo dự báo. Cuối cùng, chi phí nhân công tại Mỹ tăng 6,8% q/q trong quý cuối năm 2020 sau khi giảm 6,6% ở quý trước đó, mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 4,1%.
NHTW Anh BOE cho biết CSTT mà cơ quan này đặt ra nhằm hướng tới lạm phát mục tiêu ổn định ở mức 2,0%; bên cạnh đó giúp phát triển kinh tế quốc nội và thị trường lao động bền vững. Theo đó, BOE quyết định giữ LSCS ở mức 0,1%; không thay đổi so với trước. Ngoài ra, NHTW này giữ nguyên chương trình nắm giữ TPDN 20 tỷ GBP và TPCP 875 tỷ GBP, tổng tài sản mà BOE nắm giữ là 895 tỷ GBP. Tiếp theo, cơ quan này dự báo GDP quý 1/2021 của Anh có thể suy giảm khoảng 4,0% q/q; trái với dự báo sẽ tăng trưởng như đã đưa ra hồi tháng 11/2020, viện dẫn lý do đợt phong tỏa xã hội thứ 3 do đại dịch đang tác động rất mạnh lên mọi yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, BOE cũng tự tin rằng kinh tế nước Anh sẽ trở về mức trước đại dịch ngay trong năm nay. Cuối cùng, BOE thận trọng cho rằng triển vọng kinh tế Anh vẫn đang bất ổn, mọi diễn biến sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của đại dịch.
Cán cân thương mại Úc thặng dư 6,8 tỷ AUD trong tháng 12/2020, cao hơn so với mức thặng dư 5,2 tỷ của tháng trước đó, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với mức thặng dư 9,0 tỷ theo kỳ vọng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB