Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 05/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.164 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.809 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.933 VND/USD, giảm 11 đồng so với phiên 04/08. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ 05 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.155 - 23.215 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 05/08, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi không thay đổi ở các kỳ hạn 1W và 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,99%; 1W 1,14%; 2W 1,27% và 1M 1,42%. Tương tự, lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi đi ngang ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,31%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 5Y và 10Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: 3Y 0,83%; 5Y 0,99%; 7Y 1,27%; 10Y 2,12%; 15Y 2,34%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường diễn biến tích cực, cả 3 chỉ số đều giao dịch trên mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,81 điểm (+0,81%) lên 1.345,55 điểm; HNX-Index tăng 5,44 điểm (+1,70%) lên 325,46 điểm; UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,47%) đạt 87,93 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 23.400 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 1.136 tỷ VND trên cả ba sàn.
NHNN vừa công bố Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Thông tư này chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2021. Theo đó, tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau: Nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%. Thông tư cũng nêu rõ mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4. Ngoài ra, TCTD, chi nhánh ngân hàng được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Tin quốc tế:
Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 30/07 ở mức 385 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 399 nghìn đơn của tuần trước đó, gần khớp với dự báo 382 nghìn đơn của các chuyên gia.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại quốc gia này tăng 4,1% m/m trong tháng 6 sau khi giảm 3,2% ở tháng 5, vượt qua mức tăng 2,1% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị đơn đặt hàng tháng 6 đã tăng 26,2%, và đồng thời đã vượt lên 11,2% so với mức trước khi đại dịch tác động.
Trong cuộc họp CSTT vừa qua, NHTW Anh BOE dự báo GDP nước này sẽ tăng 5,0% trong quý II/2021, theo đó thấp hơn 4,0% so với thời gian trước khi bị tác động bởi dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 4,8% và đang giảm dần theo thời gian. Về lạm phát, CPI của nước Anh trong tháng 6 ở mức 2,5% y/y; cao hơn so với mức mục tiêu 2,0% của NHTW Anh, nhưng phản ảnh các yếu tố nhất thời. CPI được dự báo sẽ ở khoảng 4,0% y/y thời điểm kết thúc quý IV/2021, trước khi giảm trở lại về gần mức 2,0% trong bối cảnh cung cầu cân bằng trở lại. Theo đó, BOE quyết định giữ LSCS ở mức 0,1%, ngoài ra tiếp tục chương trình mua 875 tỷ GBP TPCP và 20 tỷ GBP TPDN, nhằm đạt được lạm phát mục tiêu ở mức 2,0%, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng việc làm và kinh tế Anh.
PMI lĩnh vực xây dựng tại Anh ở mức 58,7 điểm trong tháng 6, giảm khá mạnh từ mức 66,3 điểm của tháng 5 và sâu hơn so với dự báo ở mức 64,5 điểm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB