Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.166 VND/USD, giảm mạnh 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.811 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.944 VND/USD, tăng 04 đồng so với phiên 03/08. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 70 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.150 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/08, lãi suất chào bình quân LNH VND không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giảm 0,05 đpt và 0,01 đpt lần lượt ở các kỳ hạn 1W và 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,0%; 1W 1,14%; 2W 1,27% và 1M 1,44%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 2W, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: 3Y 0,82%; 5Y 0,99%; 7Y 1,26%; 10Y 2,13%; 15Y 2,32%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 04/08, KBNN huy động thành công 7.313/8.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 86%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 613/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động toàn bộ 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 4.200/4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động toàn bộ 500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 1%/năm (-0,05%); 2,13%/năm (-0,03%); 2,34%/năm (-0,1%); 2,86%/năm (-0,05%).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sự phân hóa diễn ra mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên các chỉ số chỉ biến động hẹp quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,3 điểm (+0,17%) lên 1.334,74 điểm; HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,28%) lên 320,02 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 87,52 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 25.100 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 820 tỷ VND trên cả ba sàn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ngày 03/08 đã thông qua lần phân bổ mới 453 tỷ SDR (Quyền Rút vốn đặc biệt), tương đương 650 tỷ USD. Đây là lần phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử IMF nhằm thúc đẩy tính thanh khoản toàn cầu giữa đại dịch COVID-19. Cơ chế phân bổ SDR mới sẽ mang lại lợi ích cho tất cả thành viên IMF, giải quyết nhu cầu toàn cầu trong dài hạn về dự trữ, xây dựng lòng tin và thúc đẩy sự linh hoạt và ổn định của kinh tế toàn cầu, qua đó sẽ đặc biệt giúp các nước bị ảnh hưởng nhất có thể ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19. Theo IMF, khoảng 275 tỷ USD trong lần phân bổ mới sẽ được chuyển đến các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó có các nước thu nhập thấp.
Tin quốc tế:
ADP khảo sát cho biết nước Mỹ tạo ra 330 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 6, thấp hơn so với con số 680 nghìn của tháng 5, đồng thời thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ở mức 695 nghìn. Đây là tháng tạo ra ít việc làm phi nông nghiệp nhất của Mỹ kể từ tháng 03/2021. Về tích cực, PMI lĩnh vực dịch vụ của Mỹ do Viện Quản lý Cung ứng ISM khảo sát đạt mức 64,1% trong tháng 6, tăng khá mạnh từ mức 60,1% của tháng 5, đồng thời vượt qua mức 60,5% theo dự báo.
PMI lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone chính thức đạt 59,8 điểm trong tháng 6, mặc dù điều chỉnh giảm từ mức 60,4 điểm của khảo sát sơ bộ, song vẫn là tháng có mức điểm cao nhất kể từ tháng 6/2006. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của Eurozone tăng 1,5% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 4,1% của tháng 5 và gần khớp với dự báo tăng 1,6%. So với cùng kỳ 2020, doanh số bán lẻ tháng 6 của Eurozone tăng tới 5,0%. Đối với EU27 nói riêng, mức tăng trong tháng 6 vừa qua lần lượt là 1,2% m/m và 5,3% y/y.
PMI lĩnh vực xây dựng nước Úc do AIG khảo sát được ở mức 48,7 điểm trong tháng 6, giảm mạnh từ mức 55,5 điểm của tháng 5. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của nước này chính thức giảm 1,8% m/m trong tháng 6, không điều chỉnh so với kết quả thống kê sơ bộ. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng 9,2%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB