Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 19/07 - 23/07/2021

07:51 26/07/2021

Tổng quan:

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đang diễn ra từ ngày 20/07 – 31/07/2021, Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025.

Quan điểm phát triển được nêu trong Kế hoạch tập trung vào các điểm sau: (1) Bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở ngày càng dựa nhiều hơn vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước, lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. (2) Tập trung đổi mới, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng thể chế gắn với tổ chức thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; Phát triển nhanh, hài hòa, hợp lý, hiệu quả hơn giữa các vùng kinh tế, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. (3) Tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; Phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu cao nhất của sự phát triển. (4) Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế; Phát huy tối đa nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Mục tiêu phát triển tổng quát bao gồm: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016- 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính phủ cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có các chỉ tiêu về kinh tế bao gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 45%; Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt các mục tiêu và chỉ tiêu ở mức cao nhất, đồng thời chủ động chuẩn bị các phương án để kịp thời thích ứng với những biến động trên thế giới và trong nước.

Chính phủ cũng đặt ra những mục tiêu đối với các cân đối lớn của nền kinh tế, cụ thể: (1) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng tổng tích luỹ tài sản chiếm khoảng 27% GDP và duy trì tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73% GDP; (2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; (3) Tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 16% GDP; đến năm 2025, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP để ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược, ngưỡng an toàn nợ công 55% GDP và nợ Chính phủ 45% GDP; (4) Bảo đảm cân đối năng lượng quốc gia.  

Tóm lược thị trường trong nước từ 19/07 - 23/07

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 19/07 - 23/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng qua hầu hết các phiên, chỉ giảm phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.209 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.855 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 23/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.010 VND/USD, chỉ giảm 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 23/07, tỷ giá tự do giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.200 – 23.250 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 19/07 - 23/07 biến động tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 23/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,0% (không thay đổi); 1W 1,14% (+0,04 đpt); 2W 1,26% (+0,04 đpt); 1M 1,44% (+0,06 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn chỉ biến động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần 23/07 đóng cửa tại: ON 0,14% (-0,01 đpt); 1W 0,17% (-0,01 đpt); 2W 0,22% (không thay đổi) và 1M 0,29% (-0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 19/07 - 23/07, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên ở kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.      

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 19/07 - 23/07, NHCSXH và KBNN cùng tham gia gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu là 11.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 19/07, NHCSXH huy động thành công 1.000/3.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 33%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,47%/năm (giảm nhẹ 3 điểm). Ngày 21/07, KBNN huy động thành công 7.668/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 85%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 2.400/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.268/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,05%/năm (-0,03%), lãi suất các kỳ hạn còn lại không thay đổi so với phiên đấu thầu trước đó, lần lượt tại 2,15%/năm, 2,43%/năm và 3,05%/năm. Trong tuần qua có 6.250 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần này từ 26/07 – 30/07, KBNN và NHCSXH sẽ gọi thầu lần lượt 8.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này sẽ có 5.620 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.861 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 10.936 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP ít biến động trong tuần vừa qua. Chốt phiên 23/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,34% (không thay đổi); 2 năm 0,57% (không thay đổi); 3 năm 0,87% (+0,01 đpt); 5 năm 1,06% (+0,01đpt); 7 năm 1,33% (+0,002 đpt); 10 năm 2,16% (không thay đổi); 15 năm 2,44% (+0,005 đpt); 30 năm 3,07% (-0,001 đpt).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 19/07 - 23/07 tiếp tục diễn biến tiêu cực với VN-Index giảm điểm tuần thứ 3 liên tiếp. Theo đó, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, VN-Index đứng ở mức 1.268,83 điểm, tương ứng giảm 30,48 điểm (-2,35%) so với tuần trước đó. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 5,99 điểm (-1,95%) xuống 301,77 điểm; UPCoM-Index giảm 0,96 điểm (-1,13%) xuống 84,37 điểm

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 20.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng gần 1.134 tỷ đồng trên 3 sàn.

Tin quốc tế

Một số tổ chức tài chính thế giới đưa ra các dự báo quan trọng về kinh tế thế giới và khu vực. Đầu tiên, Giám đốc điều hành IMF – bà Kristalina Georgieva ngày 21/07 cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ ở mức 6%, không thay đổi so với dự báo mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 4. Mặc dù vậy, bà Georgieva khẳng định mức tăng trưởng của từng quốc gia sẽ thay đổi, phụ thuộc vào hiệu quả chống dịch Covid-19. Tiếp theo, ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo nhóm các quốc gia đang phát triển của châu lục này tăng trưởng 7,2% trong năm 2021, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 7,3% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 04/2021. Nguyên nhân của việc hạ dự báo triển vọng là do dịch bệnh đang lây lan nhanh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là một số khu vực trong chuỗi cung ứng như Ấn Độ, Nhật Bản, và một số nước Đông Nam Á. Một số ít khu vực như Hongkong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đang cho thấy tình hình tốt hơn kỳ vọng. Đối với Việt Nam, ADB dự báo triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 là 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức 6,7% theo dự báo trước đó.

Nước Mỹ đón các thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/07 ghi nhận ở mức 419 nghìn đơn, tăng lên đáng kể từ mức 368 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với kỳ vọng giảm xuống còn 350 nghìn đơn. Tiếp theo, doanh số bán nhà cũ tại nước Mỹ đạt 5,86 triệu căn trong tháng 6, tăng nhẹ so với mức 5,78 triệu của tháng trước đó, gần khớp với dự báo ở mức 5,89 triệu của các chuyên gia. Về thị trường xây dựng, số cấp phép xây dựng tại Mỹ ở mức 1,60 triệu đơn trong tháng 6, thấp hơn so với mức 1,68 triệu của tháng 5 đồng thời thấp hơn mức 1,69 triệu theo dự báo. Tuy nhiên, số nhà khởi công tại quốc gia này trong tháng vừa qua đạt mức 1,64 triệu căn, tăng so với 1,57 triệu căn của tháng 5 và cũng vượt qua mức 1,59 triệu căn theo kỳ vọng. Cuôi cùng, về các chỉ số PMI, IHS Markit khảo sát sơ bộ cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 7 ở mức 63,1 điểm; tăng lên từ mức 62,1 điểm của tháng 6 và trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 62,0 điểm. PMI lĩnh vực dịch vụ Mỹ được tổ chức này khảo sát giảm xuống mức 59,8 điểm trong tháng 7, trái với dự báo đi ngang ở mức 64,6 điểm của tháng 6.

NHTW Châu Âu ECB có cuộc họp chính sách trong tuần vừa qua, mang tới sự thay đổi về mục tiêu lạm phát. Ngày 22/07, trong cuộc họp chính sách định kỳ, ECB đặt mục tiêu đạt được lạm phát tại khu vực Eurozone ở mức 2,0% trong trung hạn, thay đổi một chút so với mục tiêu “thấp hơn hoặc gần 2,0%” đặt ra từ năm 2003. Theo đó, hội đồng thống đốc của cơ quan này ECB đặt mục tiêu đạt được lạm phát tại khu vực Eurozone ở mức 2,0% trong trung hạn, thay đổi một chút so với mục tiêu “thấp hơn hoặc gần 2,0%” đặt ra từ năm 2003. Ngoài ra, các chương trình thu mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch PEPP với tổng quy mô 1850 tỷ EUR cũng được bảo toàn, thậm chí có thể được đẩy nhanh tiến độ thu mua trong các tháng sắp tới. Chương trình này sẽ kết thúc vào tháng 03/2022, những tài sản đáo hạn trước thời gian này sẽ được tái đầu tư cho tới 2023. Liên quan tới chỉ báo kinh tế khu vực Eurozone, PMI lĩnh vực sản xuất của khu vực này trong tháng 7 được IHS Markit khảo sát được ở mức 62,6 điểm, giảm từ 63,4 điểm của tháng 6 nhưng khớp với dự báo. Ở lĩnh vực dịch vụ, PMI được Markit khảo sát ở mức 60,4 điểm trong tháng 7, tăng so với mức 58,3 điểm của tháng trước và vượt qua mức 59,4 điểm theo kỳ vọng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm