Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 07/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.181 VND/USD, tăng 06 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.826 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.021 VND/USD, tăng 09 đồng so với phiên 06/07. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 60 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.280 - 23.330 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 07/07, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giảm 0,05 – 0,07 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,98%; 1W 1,10%; 2W 1,22% và 1M 1,36%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,02 – 0,04 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,16%; 2W 0,21%, 1M 0,29%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 3Y, giao dịch tại: 3Y 0,89%; 5Y 1,08%; 7Y 1,34%; 10Y 2,17%; 15Y 2,45%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Có 52,8 tỷ đồng trúng thầu, như vậy NHNN bơm 52,8 tỷ đồng ra thị trường qua kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 7/7, KBNN huy động thành công 6.553/7.000 tỷ đồng TPCP (tỷ lệ trúng thầu 94%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 850/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động toàn bộ 3.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.203/1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,08%/năm (-0,02%), kỳ hạn 10 năm tại 2,17%/năm (-0,03%), kỳ hạn 15 năm tại 2,44%/năm (-0,02) và kỳ hạn 30 năm không đổi tại 3,05%/năm.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sự tranh chấp quyết liệt giữa bên mua và bán khiến VN-Index dao động giằng co với biên độ lớn, tuy nhiên thị trường đã hồi phục vào cuối phiên. Kết phiên, VN-Index tăng 33,76 điểm (+2,49%) lên 1.388,55 điểm; HNX-Index tăng 1,32 điểm (+0,41%) lên 319,83 điểm; UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,08%) lên 89,14 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch hơn 31.400 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 2.034 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Với tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% cùng với mức thấp của nửa cuối năm 2020 (trung bình: 3,6%), UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,7% so với mức dự báo chính thức 6-6,5% của Chính phủ Việt Nam. Theo UOB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,61% trong quý II/2021, tăng tốc từ mức được điều chỉnh 4,65% trong quý I/2021. Mặc dù có giảm nhẹ so với kỳ vọng, nhưng mức tăng này đã khẳng định xu hướng đi lên trong hiện tại và tái thiết lập xu hướng đã thấy trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2019.
Tin quốc tế:
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố biên bản cuộc họp tháng 6. Trong biên bản này, Fed nhận định quá trình tiêm vaccine của Mỹ đã kìm hãm dịch Covid-19. Các hoạt động kinh tế và thị trường việc làm đang mạnh dần lên, dưới các chính sách hỗ trợ của Fed. Bên cạnh đó, lạm phát đã tăng, song hầu như phản ánh các yếu tố nhất thời. Tình hình đang cho thấy sự lạc quan, nhưng cũng nói lên triển vọng kinh tế Mỹ gắn chặt với quá trình tiêm chủng, và những rủi ro vẫn luôn tồn tại. Các thành viên của Fed nhất trí rằng cơ quan này sẽ sử dụng đầy đủ các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế quốc nội trong thời điểm đầy thách thức hiện tại. Fed khẳng định lại mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng việc làm tối đa và đạt được lạm phát dài hạn ổn định ở mức mục tiêu 2,0%. Do lạm phát đã ở dưới ngưỡng này trong một thời gian dài, Fed sẽ để lạm phát vượt lên ngưỡng 2,0% một cách vừa phải và trong một thời gian nhất định, nhằm đạt được lạm phát trung bình theo thời gian ở mức 2,0%. Tất cả các thành viên đều đồng ý giữ LSCS ở mức 0,0% - 0,25%, bên cạnh đó tiếp tục thu mua tài sản ở mức 120 tỷ USD/tháng nhằm đảm bảo các điều kiện tài chính phù hợp để đạt được các mục tiêu kể trên.
Ủy ban Châu Âu EC ngày 07/07 dự báo GDP khu vực Eurozone sẽ tăng 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022, cùng cao hơn so với mức 4,3% và 4,4% của dự báo tháng 5. Về lạm phát, EC dự báo CPI của Eurozone năm 2021 có thể tăng 1,9%, cao hơn so với mức 1,7% của dự báo trước, và thậm chí có thể cao hơn nữa nếu các áp lực về nguồn cung và giá nhiên liệu tiếp tục gia tăng.
Halifax khảo sát cho biết giá nhà bình quân tại nước Anh ở mức 260,4 nghìn GBP trong tháng 6 giảm mạnh 5,0% m/m sau khi tăng 1,3% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm 2020, giá nhà tại quốc gia này đã tăng 8,8%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB