Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 07/07/2021

07:55 07/07/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.175 VND/USD, giảm mạnh 15 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.820 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.012 VND/USD, tăng 07 đồng so với phiên 05/07. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.340 - 23.360 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/07, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giảm 0,02 – 0,05 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,03%; 1W 1,16%; 2W 1,29% và 1M 1,43%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,23%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp đi ngang ở kỳ hạn 3Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: 3Y 0,88%; 5Y 1,08%; 7Y 1,35%; 10Y 2,18%; 15Y 2,46%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, diễn biến bất ngờ xảy ra vào cuối phiên khi lực bán ồ ạt xuất hiện khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm rất mạnh 56,34 điểm (-3,99%) xuống 1.354,79 điểm; HNX-Index cũng giảm 9,25 điểm (-2,82%) xuống 318,51 điểm; UPCoM-Index giảm 1,41 điểm (-1,55%) xuống 89,07 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch gần 34.100 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 35 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, thu NSNN thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 55,9% dự toán, tăng 13,1%; thu từ dầu thô ước đạt 79,8% dự toán, giảm 13,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động XNK ước đạt 68,8% dự toán, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Về chi NSNN, thực hiện 6 tháng đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1%; chi trả nợ lãi đạt 51,6%; chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm vẫn còn chậm, mới đạt 29,02% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch.                           

Tin quốc tế:

Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của nước Mỹ trong tháng 6 ở mức 60,1%; giảm khá mạnh từ mức 64% của tháng 5, xuống sâu hơn so với mức 63,4% theo dự báo.

Chỉ số niềm tin kinh tế tại khu vực Eurozone do ZEW khảo sát được ở mức 61,2 điểm trong tháng 7, giảm rất mạnh từ mức 81,3 điểm của tháng 6 và đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo 79,0. Trái lại, doanh số bán lẻ của khu vực này tăng 4,6% m/m trong tháng 5 sau khi giảm 3,9% ở tháng trước đó, vượt nhẹ so với mức tăng 4,3% theo kỳ vọng.

NHTW Úc RBA cho biết sức phục hồi kinh tế quốc nội đang mạnh hơn những gì được kỳ vọng trước đây, và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Thị trường lao động trong nước cũng đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 5,1% trong tháng 5 và số người dân Úc có việc làm đã cao hơn so với thời điểm trước khi bị dịch Covid-19 tác động. Mặc dù vậy tỷ lệ lạm phát và thu nhập của người dân vẫn đang ở mức thấp. CPI được dự báo tăng 3,5% y/y trong quý 2, do mức nền thấp của năm 2020 dưới tác động của Covid-19. Theo đó, RBA quyết định giữ LSCS ở mức 0,10%; và sẽ tiếp tục thu mua TPCP sau khi chương trình thu mua hiện tại kết thúc vào đầu tháng 9. Mức thu mua mới sẽ vào khoảng 4,0 tỷ AUD/tuần, kéo dài cho tới giữa tháng 11.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

 

Đọc thêm