Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed giữ nguyên các chính sách của mình trong phiên họp chính sáng tháng 7.

08:38 29/07/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 28/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.218 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.865 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.975 VND/USD, giảm mạnh 30 đồng so với phiên 27/07. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.120 - 23.180 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 28/07, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng trở lại 0,02 – 0,07 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn ON so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,0%; 1W 1,18%; 2W 1,28% và 1M 1,45%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn dài hơn, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,17%; 2W 0,22%, 1M 0,32%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 7Y và 15Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: 3Y 0,86%; 5Y 1,04%; 7Y 1,34%; 10Y 2,16%; 15Y 2,46%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường trái phiếu: Ngày 28/07, KBNN huy động thành công 6.500/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 72%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được 250/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 750/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 30 năm huy động toàn bộ lần lượt 2.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm giữ nguyên tại 1,32%/năm, kỳ hạn 10 năm tại 2,16%/năm (tăng 0,01%), kỳ hạn 15 năm tại 2,44%/năm (tăng 0,01%) và kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,05%/năm.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (+0,01%) lên 1.277,07 điểm; HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,08%) lên 306,25 điểm; UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,22%) lên 84,96 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 15.300 tỷ VND, mức thấp nhất trong vòng gần 6 tháng qua kể từ thời điểm đầu tháng 2/2021. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 45 tỷ VND trên cả ba sàn.

Tại báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn thế giới, Ngân hàng Thế giới WB đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo tháng 10/2020 lên 17,2 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Tính riêng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Philippines. Xét theo quy mô nền kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 tương đương 5% GDP, nằm trong top 10 thế giới. Trong 5 năm qua, WB ước tính tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt khoảng 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm.

Tin quốc tế:

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed giữ nguyên các chính sách của mình trong phiên họp chính sáng tháng 7. Các quan chức Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC của Fed đã bỏ phiếu nhất trí không thay đổi lãi suất chính sách ở mức từ 0 - 0,25% và chương trình mua trái phiếu hàng tháng 120 tỷ USD. Fed cho rằng kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi bất chấp sự bùng phát trở lại của virus corona nhờ quá trình tiêm vaccine cũng như hỗ trợ chính sách mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn cần thêm thời gian để tăng việc làm trước khi Fed thay đổi chính sách của mình. Fed cho biết sẽ tiếp tục thảo luận việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong các phiên họp tới và sẽ cung cấp cho thị trường những tín hiệu rõ ràng trước khi thực hiện. Fed cũng nhắc lại lạm phát cao hiện nay chỉ là kết quả của "các yếu tố nhất thời" và không phải là rủi ro đối với nền kinh tế hoặc các kế hoạch chính sách của Fed.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của nước Đức được GfK khảo sát ở mức -0,3 điểm trong tháng 7, đi ngang so với mức điểm của tháng 6 và trái với dự báo tăng lên thành 0,9 điểm. Đây là tháng thứ 16 liên tiếp mức niềm tin tiêu dùng tại Đức ở dưới ngưỡng 0. Tiếp theo, chỉ số giá nhập khẩu của quốc gia này tăng 1,6% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 1,7% của tháng 5 và khớp với dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá nhập khẩu tại Đức tăng 12,9%.

Văn phòng Thống kê Úc cho biết CPI của nước này tăng 0,8% q/q trong quý vừa qua, mạnh hơn mức tăng 0,6% của quý 1, đồng thời vượt qua mức tăng 0,7% theo kỳ vọng. Như vậy, CPI của nước Úc trong quý 2 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm