Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 27/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.217 VND/USD, tiếp tục tăng 04 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.864 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.005 VND/USD, giảm 05 đồng so với phiên 26/07. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.140 - 23.180 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 27/07, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,06 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 1,0%; 1W 1,12%; 2W 1,26% và 1M 1,38%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giảm 0,02 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,16%; 2W 0,21%, 1M 0,31%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 5Y, giao dịch tại: 3Y 0,86%; 5Y 1,04%; 7Y 1,33%; 10Y 2,16%; 15Y 2,45%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá ngay từ đầu phiên, đặc biệt cổ phiếu nhóm chứng khoán và ngân hàng. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 4,22 điểm (+0,33%) lên 1.276,93 điểm; HNX-Index tăng 3,12 điểm (+1,03%) lên 306,0 điểm; UPCoM-Index tăng 0,90 điểm (+1,07%) lên 84,77 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 21.800 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 328 tỷ VND trên cả ba sàn.
Theo Liên bộ Công thương – Tài chính, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm từ ngày 27/07/2021. Theo đó, xăng E5RON92 giảm 112 đồng/lít so với giá trước đó; xăng RON95-III giảm 102 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 162 đồng/lít; dầu hỏa giảm 105 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 148 đồng/kg so với giá hiện hành. Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 20.498 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 21.681 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.375 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 15.398 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.522 đồng/kg.
Tin quốc tế:
Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng kinh tế Thế giới vừa ra mắt, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 6,0% trong năm 2021, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4 đầu năm nay. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo GDP toàn cầu năm 2022 tăng 4,9%; tăng 0,5 đpt so với dự báo trước. Đối với các quốc gia lớn, trong năm 2021, IMF dự báo GDP Mỹ tăng 7,0% (+0,6 đpt so với dự báo trước); Eurozone tăng 4,6% (+0,2 đpt); Nhật Bản tăng 2,8% (-0,5 đpt); Anh tăng 7,0% (+1,7 đpt) và Trung Quốc tăng 8,1% (-0,3 đpt). Trong năm 2022, GDP Mỹ được dự báo tăng 4,9% (+1,4 đpt); Eurozone tăng 4,3% (+0,5 đpt); Nhật Bản tăng 3,0% (+0,5 đpt); Anh tăng 4,8% (-0,3 đpt) và Trung Quốc tăng 5,7% (+0,1 đpt).
Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ được Conference Board khảo sát đạt mức 129,1 điểm trong tháng 7, tăng lên từ 128,9 điểm của tháng 6 và trái với dự báo giảm mạnh xuống còn 123,9 điểm, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 02/2020. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần và đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi của Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,8% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 0,5% và 3,2 của tháng trước đó nhưng thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng tăng 0,8% và 2,1%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB