Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 19/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.626 VND/USD, tăng tiếp 11 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.757 VND/USD; thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.500 VND/USD, tiếp tục tăng 10 đồng so với phiên 18/04. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.440 VND/USD và 23.520 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 19/04, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm mạnh 0,32 – 0,70 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,43%; 1W 4,65%; 2W 4,90% và 1M 5,20%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 4,61%; 1W 4,71%; 2W 4,87%, 1M 5,0%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,75%; 5Y 2,72%; 7Y 2,93%; 10Y 3,29%; 15Y 3,42%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đều với lãi suất 5,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 3.133,22 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 3.133,22 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở; khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 64.074,04 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 19/04, KBNN huy động 10.250 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 9.874 tỷ đồng (đạt 96%). Trong đó, kỳ hạn 5Y, 10Y và 15Y huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 3.000 tỷ, 2.250 tỷ và 4.500 tỷ. Riêng kỳ hạn 30Y chỉ huy động được 124 tỷ/500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5Y 2,78% (-0,2 đpt so với lần trúng thầu trước); 10Y 3,28% (không thay đổi), 15Y 3,40% (không thay đổi) và 30Y 3,66% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, trên thị trường chứng khoán, lực bán lại gia tăng tạo sức ép lớn, đẩy giá nhiều cổ phiếu giảm sâu. Chốt phiên, VN-Index giảm 6,04 điểm (-0,57%) về 1.048,98 điểm; HNX-Index mất 2,40 điểm (-1,15%) còn 205,85 điểm; UPCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,79%) xuống 78,11 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ với giá trị giao dịch trên 10.900 tỷ VND. Khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 458 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 4/2023, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 0,40 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến hết 15/04 thặng dư 5,26 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,24 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4, kim ngạch nhập khẩu đạt 12,84 tỷ. Lũy kế từ 01/01 đến 15/04, kim ngạch XK đạt 92,50 tỷ USD, kim ngạch NK đạt 87,24 tỷ.
Tin quốc tế:
Chủ tịch Fed chi nhánh New York – ông John Williams nhận định lạm phát tại Mỹ vẫn đang là một vấn đề, Fed sẽ sử dụng các công cụ CSTT để phục hồi sự ổn định giá cả. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng các áp lực từ lĩnh vực ngân hàng có thể ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, song vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá mức độ tác động. Ông Williams kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE sẽ giảm xuống 3,25% trong năm nay và đạt mục tiêu 2,0% trong vòng hai năm tới.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS công bố CPI toàn phần của nước này tăng 10,1% y/y trong tháng 3, thấp hơn một chút so với mức 10,4% của tháng trước đó nhưng vẫn cao hơn mức 9,8% theo dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi tháng 3 tăng 6,2% y/y, không thay đổi so với tháng 2 và trái với kỳ vọng hạ nhiệt xuống 6,0%.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi khu vực Eurozone chính thức tăng 6,9% và 5,7% y/y trong tháng 3, không thay đổi so với dữ liệu thống kê sơ bộ. Đây là mức tăng CPI toàn phần thấp nhất kể từ tháng 03/2022, tuy nhiên lại cho thấy mức tăng CPI lõi lớn nhất trong nhiều thập kỷ.