Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 10/04 - 14/04/2023

09:02 17/04/2023

Tổng quan:

Quý I/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động tăng giảm đan xen, do sự tác động của nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế.

Kết thúc phiên 31/03/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.064,64 điểm, tăng 57,55 điểm (+5,71%) so với cuối năm 2022. Theo số liệu mới nhất của UBCKNN, tính đến hết tháng 3/2023, giá trị vốn hoá trên 3 sàn giao dịch chứng khoán là 5,48 triệu tỷ đồng, trong đó sàn HOSE đạt 4,25 triệu tỷ đồng, sàn HNX đạt 259.073 tỷ đồng và sàn UPCOM là 969.020 tỷ đồng. Vốn hoá trên thị trường TPDN đạt 1,85 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường chứng khoán là hơn 7,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,68% so với tháng trước và tăng 4,86% so với cuối năm 2022. Tuy vậy, thanh khoản thị trường cổ phiếu vẫn khá trầm lắng trong quý I/2023, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 11.300 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022. Đến cuối tháng 2/2023, tổng số lượng tài khoản chứng khoán đạt gần 7 triệu tài khoản, tăng 1,45% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, con số 39.802 tài khoản mở trong tháng 3 cho thấy xu hướng suy giảm số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Theo thống kê, tháng 3/2023 là tháng thứ 7 liên tiếp thị trường không ghi nhận con số trên 100.000 tài khoản mới. Đây là mức giảm sâu so với giai đoạn bùng nổ giữa năm 2020. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến cuối tháng 3/2023, khối ngoại đã mua ròng khoảng 7.000 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Với thanh khoản thị trường giảm từ đầu năm, dòng tiền khối ngoại góp phần khá lớn trong sự tăng trưởng của các cổ phiếu nói riêng và thị trường nói chung.

Những thông tin tác động tiêu cực đến TTCK trong quý vừa qua có thể kể đến: (i) áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới khiến các NHTW đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ; (ii) trong những tuần đầu tháng 3, sự sụp đổ của liên tiếp 3 NH tại Mỹ là Silvergate Capital, Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank, sau đó là Credit Suisse tại Thụy Sĩ làm giới đầu tư lo ngại về sự an toàn trên thị trường tài chính; (iii) trong nước, kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn như môi trường lãi suất cao, thị trường BĐS và TPDN riêng lẻ gia tăng rủi ro thanh khoản, hoạt động sản xuất kinh doanh chững lại, ...

Những thông tin tích cực hỗ trợ đến từ các chính sách và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, phục hồi kinh tế, như: Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP, hoạt động giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, NHNN giảm lãi suất điều hành, triển khai các gói tín dụng ưu đãi (như gói 120.000 tỉ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay), có động thái xem xét triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, ... nhờ đó giúp dòng vốn tín dụng được khơi thông trở lại.

Về triển vọng phát triển TTCK cả năm 2023, theo đánh giá của các nhà phân tích, kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: (i) kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái; (ii) các ngành trọng điểm của nền kinh tế trong nước là ngành BĐS, tài chính - ngân hàng được dự báo còn gặp nhiều khó khăn, qua đó sẽ tác động liên đới tới nhiều nhóm ngành khác. Do đó, lợi nhuận của toàn TTCK năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng với mức khoảng từ 8-10% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng 11,5% của năm 2022 và thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng khoảng trên 30% của năm 2021. Bên cạnh đó, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) thị trường dự báo cho năm 2023 là 9,2 lần (tính tại ngày 30/12/2022), thấp hơn tới 35% so với mức P/E trung bình của thị trường là 14,16 lần trong giai đoạn 2009 - 2022.

Tóm lược thị trường trong nước từ 10/04 - 14/04

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 10/04 - 14/04, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần giảm mạnh 18 đồng. Chốt ngày 14/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.588 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.717 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH tiếp tục giao dịch quanh mức giá mua của NHNN. Chốt phiên cuối tuần 14/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.450 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 14/04, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.450 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 10/04 - 14/04, lãi suất VND LNH tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 14/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 5,45% (+0,39 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,52% (+0,32 đpt); 2W 5,53% (+0,20 đpt); 1M 5,63% (+0,07 đpt).

Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 14/04, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,62% (-0,01 đpt); 1W 4,74% (-0,01 đpt); 2W 4,88% (không thay đổi) và 1M 5,0% (không thay đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 10/04 - 14/04, NHNN chào thầu 160.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, chia đều cho 2 kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, đều với lãi suất 5,0%; có 66.781,34 tỷ đồng trúng thầu, có 986,48 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu và cũng không có tín phiếu đáo hạn trong tuần qua. Như vậy, NHNN bơm ròng ra thị trường 65.794,86 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại tăng lên mức 71.395,77 tỷ VND, tín phiếu NHNN giữ ở mức 110.699,8 tỷ VND.

Thị trường trái phiếu: Ngày 12/04, KBNN huy động 8.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 7.193 tỷ đồng (đạt 85%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 2.000 tỷ gọi thầu, 10Y là 1.000/2.000 tỷ, 15Y là 4.193/4.500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5Y 2,80% (không thay đổi so với lần trúng thầu trước); 10Y 3,28% (-0,02 đpt), 15Y 3,40% (không thay đổi). Tuần vừa qua từ 10/04 – 14/04 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần 17/04 – 21/04, KBNN dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y gọi 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y gọi 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y gọi 3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y gọi 500 tỷ đồng. 

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.205 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 8.285 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất TPCP giảm ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 30Y. Chốt phiên 14/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2,7% (-0,08 đpt); 2 năm 2,72% (-0,15 đpt); 3 năm 2,75% (-0,05 đpt); 5 năm 2,79% (-0,09đpt); 7 năm 2,98% (-0,08 đpt); 10 năm 3,29% (-0,08 đpt); 15 năm 3,42% (-0,1 đpt); 30 năm 3,88% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 10/04 - 14/04, thị trường chứng khoán có một tuần tiêu cực khi các chỉ số chính giảm điểm ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 14/04, VN-Index đứng ở mức 1.052,89 điểm, mất 16,82 điểm (-1,57%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 4,35 điểm (-2,06%) còn 207,25 điểm; UPCom-Index tăng 0,53 điểm (+0,68%) lên 78,69 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 14.400 tỷ đồng/phiên so với mức 15.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.                 

Tin quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới. Trong báo cáo vừa công bố, IMF nhận định KTTG đang ở thời điểm bất ổn, tích lũy từ các cú sốc trong 3 năm qua do Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine. Tổ chức này dự báo KTTG năm 2023 tăng 2,8% (-0,1 đpt so với dự báo tháng 1). Trong đó, GDP Mỹ được dự báo tăng 1,3% (+0,1 đpt); Khu vực Euro tăng 1,6% (+0,2 đpt), Nhật Bản tăng 1,3% (-0,5 đpt) và Anh giảm 0,3% (+0,3 đpt). Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 5,2% trong năm nay (không thay đổi), Ấn Độ tăng 5,9% (không thay đổi); Nhóm ASEAN5 tăng 4,5% (+0,2 đpt), trong đó riêng Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,8%, đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Philippines với mức tăng 6%. Cũng về khu vực Châu Á, OECD dự báo GDP Trung Quốc tăng trưởng 5,3%, Ấn độ tăng 5,9%. Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% cao nhất khu vực Đông Nam Á; theo sau là: Philippines 5,7%; Indonesia 4,7%; Malaysia 4,0 và Thái Lan 3,8%.

Fed công bố biên bản họp FOMC tháng 3. Trong văn bản này, FOMC dự báo GDP Mỹ sẽ tăng trưởng thấp trong năm nay, thị trường lao động sẽ nới lỏng dần. Với những ảnh hưởng từ lĩnh vực ngân hàng, nước Mỹ có thể có một đợt suy thoái nhẹ vào cuối năm, song sẽ hồi phục ở 2 năm sau đó. Chỉ số PCE toàn phần và PCE lõi được dự báo lần lượt tăng 2,8% và 3,5% trong năm nay. Trong bối cảnh hiện tại, FOMC sẽ tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát, kiên định với mục tiêu đưa lạm phát về mức mục tiêu 2,0% trong dài hạn. Do vậy, việc nâng LSCS thêm 25 đcb là phù hợp để đạt được mục tiêu trên. Một số thành viên nhấn mạnh, với lạm phát cao liên tục và kinh tế tăng trưởng mạnh như hiện nay, mức tăng 50 điểm là phù hợp trong trường hợp không có những diễn biến vừa qua. Việc tăng 25 đcb lần này sẽ giúp FOMC có thêm thời gian đánh giá tác động từ những sự cố ngân hàng tới điều kiện tín dụng và nền kinh tế.

Liên quan tới kinh tế Mỹ, chỉ số CPI toàn phần tại nước này tăng 0,1% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 0,4% ở tháng trước đó, nhẹ hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Theo đó, CPI toàn phần tăng 5,0% y/y trong tháng vừa qua, thấp hơn mức tăng 6,0% của tháng 2 và thấp hơn mức tăng 5,1% theo dự báo. Đây cũng là mức tăng CPI y/y toàn phần thấp nhất kể từ tháng 05/2021. CPI lõi tại Mỹ trong tháng vừa qua tăng 0,4%, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng 2 và khớp với dự báo. So với cùng kỳ 2022, CPI lõi trong tháng 3 tăng 5,6% y/y. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 08/04 ở mức 239 nghìn đơn, tăng lên từ 228 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt qua mức 233 nghìn đơn theo dự báo. Tiếp theo, về lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt giảm 0,8% và 1,0% m/m trong tháng 3 sau khi đi ngang (0,0%) và giảm 0,2% ở tháng 2, sâu hơn so với dự báo cùng giảm 0,4%. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 63,5 điểm trong tháng 4, trái với dự báo đi ngang ở mức 62,0 điểm.

Đọc thêm