IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống 3,8%

08:00 14/10/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 13/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.181 VND/USD, tiếp tục tăng 07 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.826 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.760 VND/USD, tăng tiếp 04 đồng so với phiên 12/10. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.280 - 23.350 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 13/10, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 2W và giảm 0,03 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,70%; 1W 0,82%; 2W 0,90 và 1M 1,14%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,23%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 0,79%; 5Y 0,91%; 7Y 1,25%; 10Y 2,15%; 15Y 2,41%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường trái phiếu: Ngày 13/10, KBNN huy động thành công 2.233/7.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 30%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động thành công 1.600/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 60/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 573/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,14%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm giữ nguyên tại 2,37%/năm và kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 2,8%/năm.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số đi ngang, không có nhiều đột biến. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,89 điểm (-0,21%) xuống 1.391,91 điểm; HNX-Index tăng 3,66 điểm (+0,97%) lên 379,34 điểm; UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 98,78 điểm. Thanh khoản thị trường giảm sút so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 22.200 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 511 tỷ VND trên cả ba sàn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam được IMF dự báo chỉ đạt 3,8%, giảm mạnh từ mức tăng 6,3% trong dự báo hồi tháng 4. Tăng trưởng GDP năm 2022 cũng được dự báo hạ xuống mức tăng 6,6% từ dự báo ở mức 7,2%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI 2021 và 2022 được dự báo lần lượt ở mức 2,0% yoy và 2,3% yoy, đều giảm từ mức 3,9% trong báo cáo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp 2021 và 2022 được kỳ vọng đạt thấp ở mức 2,7% và 2,4%, giảm tích cực từ mức 3,3% của năm 2020. 

Tin quốc tế:

Biên bản cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed vừa công bố cho thấy các quan chức Fed nhất trí việc chuẩn bị công bố giảm chương trình mua tài sản trong phiên họp tháng 11 tới, tuy nhiên chưa thống nhất về thời điểm tăng lãi suất chính sách trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Cụ thể, đa số quan chức Fed thống nhất rằng nên giảm mua TPCP Mỹ 10 tỷ USD mỗi tháng và chứng khoán có bảo đảm 5 tỷ mỗi tháng từ tháng 11 hoặc tháng 12, trong khi số còn lại cho rằng nên cắt giảm với tốc độ nhanh hơn. Khi đó, chương trình mua tài sản này sẽ kết thúc vào khoảng giữa 2022. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách chưa thống nhất về thời điểm nâng LSCS. Biên bản cho thấy một số quan chức Fed cho rằng lãi suất cần phải được tăng trong năm sau khi lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 thông qua kỳ vọng lạm phát hoặc rộng hơn là vào giá cả. Ngược lại, một số quan chức vẫn cho rằng lãi suất nên duy trì ở mức hoặc gần bằng 0 trong một vài năm tới, cảnh báo rằng các xu hướng dài hạn đã kéo lạm phát xuống trước khi đại dịch sẽ trở lại, áp lực giá tăng lên là do tắc nghẽn nguồn cung liên quan đến đại dịch có thể sẽ giảm bớt.

Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho biết CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,2% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà tăng 0,3% và 0,1% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 0,3% và 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, CPI toàn phần của nước Mỹ tăng 5,4% trong tháng 9, cao hơn so với mức 5,3% của tháng 8.

GDP của Anh tăng 0,4% m/m trong tháng 8 sau khi giảm 0,1% tháng trước đó, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 0,5% theo kỳ vọng. Như vậy, GDP của nước này chỉ còn thấp hơn khoảng 0,8% so với tháng 02/2020 (thời điểm trước khi bị tác động bởi dịch bệnh). Tiếp theo, sản lượng công nghiệp của nước Anh trong tháng vừa qua cho thấy mức tăng 0,8% m/m, mạnh hơn mức tăng 0,3% của tháng 7, đồng thời mạnh hơn mức tăng 0,2% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm