Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 07/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.170 VND/USD, tăng mạnh 12 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.815 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.770 VND/USD, tăng nhẹ 08 đồng so với phiên 06/10. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.170 - 23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 07/10, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 1W và 2W, tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,68%; 1W 0,80%; 2W 0,90 và 1M 1,18%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,13; 1W 0,17%; 2W 0,21%, 1M 0,28%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng ở các kỳ hạn từ 7Y trở lên, cụ thể: 3Y 0,80%; 5Y 0,92%; 7Y 1,23%; 10Y 2,13%; 15Y 2,40%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, nhóm cổ phiếu dầu khí, khí đốt, xăng dầu đồng loạt giảm giá, gây áp lực lên thị trường chung, tuy nhiên, nhiều cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá, phần nào giữ nhịp thị trường giúp các chỉ số biến động giằng co trong biên độ hẹp trên mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,17 điểm (0+,23%) lên 1.365,99 điểm; HNX-Index tăng 1,93 điểm (+0,52%) lên 370,4 điểm; UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,60%) lên 97,96 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 23.900 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 591 tỷ VND trên cả ba sàn.
Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Tính đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Tin quốc tế:
Bộ Lao động Mỹ ra báo cáo cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 02/10 ở mức 326 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 364 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn khá nhiều so với mức 350 nghìn đơn theo dự báo.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết sản lượng công nghiệp tại nước này giảm 4,0% m/m trong tháng 8 sau khi tăng 1,3% ở tháng trước đó, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,4% theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2020, sản lượng công nghiệp trong tháng 8 cho thấy mức tăng 1,7%; song vẫn thấp hơn khoảng 9,0% so với tháng 02/2020-thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 tác động tới kinh tế Đức.
Tổ chức AIG của Úc cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 45,7 điểm trong tháng 9, tăng nhẹ so với mức 45,6 điểm của tháng trước đó. Đây là tháng thứ hai liên tiếp mà lĩnh vực dịch vụ ở trạng thái thu hẹp, nguyên nhân chính do nước Úc áp dụng chính sách giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB